Đà Nẵng: Tổng nguồn vốn huy động tín dụng khoảng 53.500 tỷ đồng
Chiều 25/9, Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với HĐND, UBND, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Đà Nẵng về tình hình hoạt động ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2013.
Chiều 25/9, Đoàn công tác Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến dẫn đầu đã có buổi làm việc với HĐND, UBND, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP Đà Nẵng về tình hình hoạt động ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2013.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến phát biểu tại buổi làm việc |
Báo cáo với Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tại Đà Nẵng cho biết, đến cuối tháng 9/2013, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước thực hiện 53.500 tỷ đồng, tăng 9,33% so với cuối năm 2012. Trong đó, huy động vốn bằng đồng Việt Nam đạt 49.500 tỷ đồng, tăng 10,6%; huy động vốn bằng ngoại tệ ước thực hiện 4.000 tỷ đồng, giảm 4,28% so với năm 2012.
Theo ông Võ Minh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng thì, huy động vốn Việt Nam đồng tăng chủ yếu ở khu vực dân cư (12,39%) và có xu hướng tăng dần qua các tháng, cho thấy gửi tiền vào hệ thống ngân hàng vẫn đang là kênh đầu tư được lựa chọn của người dân. Trong khi đó, tiền gởi ngân hàng bằng ngoại tệ và cho vay bằng ngoại tệ đều có xu hướng giảm dần, đã chứng thực sự thành công của chính sách chống đô la hóa của Chính phủ trong thời gian qua.
Về tình hình dư nợ cho vay tại địa bàn Đà Nẵng, đại diện NHNN chi nhánh Đà Nẵng khẳng định, so với cuối năm 2012 dư nợ cho vay đã tăng 4,46%, ước thực hiện 53.000 tỷ đồng, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm 31%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng Việt Nam đồng ước thực hiện 46.100 tỷ đồng, tăng 7,08%; cho vay bằng ngoại tệ ước đạt 6.900 tỷ đồng, giảm 10,24% so với cuối năm 2012, chứng minh sự thành công của chính sách xiết chặt ngoại tệ, chống đô la hóa, vàng hóa.
Đặc biệt, dưới sự quyết liệt của chính quyền TP, lãi suất cho vay đã hạ dần đối với tất cả các thành phần kinh tế trên địa bàn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chi phí vay vốn và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng. Hiện lãi suất bình quân đối với Việt Nam đồng giảm về mức 12,06%/năm so với 14,26%/năm những tháng cuối năm 2012, tăng từ 25% lên 72% tổng dư nợ. Trong đó, ngoài các khoản nợ bất động sản, chứng khoán còn cao; thực nợ cho vay sản xuất dưới 13%/năm chiếm 85% trong tổng dư nợ. Dự kiến, đến cuối năm 2013, con số này sẽ đạt tỉ lệ 95%.
Tốc độ biến động của nợ xấu cũng có xu hướng giảm qua từng tháng, mặc dù giảm không lớn, từ 4,22% giảm còn 3,81% tổng dư nợ. Đây là sự cố gắng nỗ lực của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP để giảm dần cả lượng nợ xấu tương đối lẫn tuyệt đối. Chứng tỏ nỗ lực thu hồi, giải quyết nợ xấu có sự tiến triển tốt.
Tuy lãi suất giảm, nhưng khó khăn chung của doanh nghiệp trên địa bàn hiện nay là khả năng phục hồi, tiếp nhận vốn của doanh nghiệp còn yếu. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đại diện các chi nhánh ngân hàng thương mại tại Đà Nẵng đều cho rằng, ngoài tăng trưởng tín dụng thông qua các giải pháp, cần giãn nợ xấu, thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc, phát triển sản xuất.
Quang cảnh buổi làm việc chiều 25/9 |
Phát biểu với Đoàn công tác, ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng cho rằng, khó khăn chung hiện nay là khả năng phục hồi, tiếp nhận vốn của doanh nghiệp còn yếu. Do vậy, hiện lãi suất huy động dừng ở mức 6-7%/năm thì các ngân hàng cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay còn 9-10%/năm để kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về chi phí vay vốn và khả năng tiếp cận vốn ngân hàng.
Trên cơ sở lắng nghe các thông tin từ báo cáo của NHNN chi nhánh Đà Nẵng, ý kiến của các chi nhánh ngân hàng thương mại và đại diện UBND thành phố Đà Nẵng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Đồng Tiến đánh giá, cần thêm nhiều thông tin, giải đáp cặn kẽ hơn giữa các cấp ngành và doanh nghiệp. Bên cạnh những yêu cầu xã hội, cấp ủy chính quyền, người dân, doanh nghiệp tiếp tục đòi hỏi ngân hàng đóng góp nhiều hơn. Hệ thống ngân hàng cần sâu sát hơn, quan tâm hơn, chia sẻ nhiều hơn với doanh nghiệp và người dân.
Theo ông Tiến, những kiến nghị trên sẽ được Đoàn công tác ghi nhận để đề ra những chính sách phù hợp, những hướng khắc phục kịp thời các khó khăn còn tồn tại, giúp doanh nghiệp và ngân hàng tiếp tục tìm đuợc tiếng nói chung trong việc đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()