Đà Nẵng: Thúc đẩy liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
Sở LĐTB&XH TP. Đà Nẵng và VCCI Đà Nẵng ký kết hợp tác đẩy mạnh hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn |
Chiều 18/9, TP. Đà Nẵng đã tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực”.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi về các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực của TP. Đà Nẵng; trao đổi các giải pháp, mô hình tăng cường kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong nâng cao chất lượng đào tạo và gắn đào tạo của các cơ sở với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường.
Hiện nay TP. Đà Nẵng có 64 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 20 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 11 trung tâm GDNN và 27 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN.
Theo khảo sát, tỉ lệ học sinh, sinh viên học nghề ra trường có việc làm ngay trên 70%, trong đó một số nghề về dịch vụ du lịch, công nghệ thông tin, cơ khí, công nghệ ô tô tỉ lệ có việc làm đạt 90% – 100%.
Tính đến tháng 12/2018, trên địa bàn thành phố có hơn 23.600 doanh nghiệp với hơn 341.800 lao động. Dự báo, đến năm 2025, Đà Nẵng cần có thêm hơn 250.000 lao động, đến năm 2030 là thêm 450.000 lao động, chủ yếu ở các ngành mũi nhọn: Dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin…
Ông Nguyễn Trung Chinh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết: Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn 2045 đã xác định rõ về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, chú trọng phát triển trên 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố: Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Để đạt được điều này cần phải có đội ngũ lao động lành nghề, có kỹ năng, được đào tạo bài bản; có khả năng làm chủ được các phương tiện, công nghệ. Tuy nhiên, hiện nay việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp vẫn chưa chặt chẽ. “TP. Đà Nẵng cam kết sẽ thực hiện việc kết nối, cung cấp thông tin, dự báo nguồn nhân lực cho từng ngành nghề theo từng giai đoạn, dự báo sự thay đổi của thị trường lao động… để doanh nghiệp, nhà trường chủ động có kế hoạch định hướng hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng khẳng định.
Để giải quyết những thách thức và khó khăn của TP. Đà Nẵng về nguồn nhân lực, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ công-tư. Đây là chìa khóa thành công trong việc tạo ra lực lượng lao động hiện đại cần thiết để thay đổi nhanh chóng yêu cầu kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đại.
Giám đốc ILO Việt Nam cũng cho rằng khó khăn trong việc tìm kiếm người lao động có trình độ là kết quả của việc nguồn cung không dồi dào và cả sự kết nối không khớp giữa người tìm việc và người tuyển dụng. Vì vậy, cần mở rộng năng lực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, đồng thời cải thiện và hiện đại hóa các nội dung của giáo dục và đào tạo nghề. Bên cạnh đó, để hạn chế tình trạng lao động nhảy việc, bản thân doanh nghiệp phải tạo môi trường làm việc hấp dẫn hơn.
Ý kiến ()