Đà Nẵng: Thành phố “sống tốt”, điểm đến lý tưởng của du khách thập phương
Một mùa xuân mới lại về. Hoà cùng sự chuyển mình của đất trời, người Đà Nẵng ghi thêm dấu mốc tròn 20 năm phát triển khá ngoạn mục của thành phố sau khi chia tách, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1/1/1997-1/1/2017).
Ký ức trước ngày chia tách
Với nhiều người dân Đà Nẵng đã từng sống, chứng kiến giai đoạn thành phố còn là đô thị của tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũ thì những gì nhận thấy được hôm nay thực sự là một sự thay đổi, một bước chuyển mình ngoạn mục.
Ông Tô Văn Hùng, công tác tại Ban đô thị Hội đồng nhân dân thành phố nhớ lại: “Trước khi có quyết định đột phá “bắc cầu qua sông Hàn”, Đà Nẵng chỉ là một đô thị trực thuộc tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng cũ. Nói là đô thị nhưng thực ra khi ấy, nhiều nơi ở Đà Nẵng vẫn mang dáng dấp của những làng quê nông thôn, nông nghiệp truyền thống. Các khu vực vùng ven ở phía Nam, phía Bắc, phía Tây thành phố nhà cửa còn tạm bợ, hệ thống hạ tầng giao thông như đường xá, cầu cống và trường học, bệnh viên chưa nhiều; kinh tế kém phát triển”.
Tuy nhiên, sau một năm chia tách với tỉnh Quảng Nam, trở thành đơn vị trực thuộc Trung ương (1997), Đà Nẵng đã tiến hành xây dựng cầu sông Hàn. Từ đây đã nối nhịp đưa Đà Nẵng vươn ra biển, chiếm hữu vùng đất bốn bề là nước, dành đất phía sau lưng cho đồng ruộng, cho núi đồi, cho rừng. Cũng từ đó, với nhiều chính sách an sinh đi vào lòng dân, hàng loạt khu nhà chồ ven sông Hàn, khu vực biển Thọ Quang, Mân Thái- nơi sinh sống của hàng ngàn hộ dân vạn đò, làm nghề đánh bắt thuỷ sản chen chúc trong những ngôi nhà dột nát từ phía bờ Đông sông Hàn cũng dần được xoá bỏ, thay thế bằng những khu phố với nhà cửa, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại.
Sau một năm chia tách, năm 1998 TP.Đà Nẵng xây dựng cây cầu quay bắt qua Sông Hàn. Cây cầu này ra đời đã xoá đinhững chuyến phà cũ kỹ nối 2 bờ Đông- Tây của sông Hàn và mở rộng không gian hướng ra biển của Đà Nẵng |
Đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Đà Nẵng cho biết thêm: thời đểm trước khi Đà Nẵng chia tách với Quảng Nam, Đà Nẵng phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong đó, quy mô kinh tế nhỏ bé; kết cấu hạ tầng lạc hậu; giao thông đi lại khó khăn; trường học, bệnh viện vừa thiếu, vừa trang bị sơ sài; hệ thống cấp thoát nước, điện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Bên kia bờ Đông sông Hàn hàng ngàn hộ dân sống trong các nhà chồ tạm bợ, dột nát. Ngày đó, người dân hai bên bờ sông Hàn muốn qua lại phải “luỵ đò” bởi những chuyến phà và cầu Nguyễn Văn Trỗi, cầu Trần Thị Lý xuống cấp trầm trọng. Bãi biển Đà Nẵng thời đó cũng còn hoang sơ, vắng vẻ. Các vùng cánh Tây, cánh Trung của TP địa hình gò đồi không thuận lợi, ruộng đồng canh tác phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn thấp kém…
Chia sẻ thêm ký ức một thời khó khăn của Đà Nẵng trước năm 1997, ông Nguyến Thành Tiến, Phó Ban đô thị Hội đồng nhân dân thành phố so sánh: từ năm 1997 trở về trước, không gian đô thị của Đà Nẵng không đáng kể, khoảng 5.600 ha, trong khi hiện nay đã xấp xỉ 20.000 ha; giao thông từ 99 đường có tên trước năm 1997 và nay nâng lên là 1.986 đường có tên, từ 115 km đường đô thị nâng lên 883 km hiện nay; từ năm 1997 về trước chỉ có 02 cây cầu qua sông Hàn đang xuống cấp (cầu Nguyễn Văn Trỗi và cầu Trần Thị Lý), đến nay đã có 09 cây cầu hiện đại; toàn thành phố trước năm 1997 chỉ có 01 khách sạn 05 sao, không có khách sạn 04 sao thì nay là 10 khách sạn 05 sao và 16 khách sạn 04 sao; từ không có căn hộ Codotel (là sự kết hợp giữa căn hộ và khách sạn), đến nay là gần 15.000 căn…
Thành phố 20 năm trực thuộc Trung ương
Để tạo điều kiện cho Đà Nẵng bứt phá, vươn lên từng bước đảm nhận là đầu tàu phát triển của miền Trung và Tây Nguyên, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XI (nhiệm kỳ 1992-1997) đã thông qua Nghị quyết chia tách tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ngày 1/1/1997 trở thành cột lịch sử quan trọng mở ra thời kỳ phát triển mới của Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; xác lập vị thế mới của thành phố Đà Nẵng- một thành phố trẻ, năng động, giàu ý chí và khát vọng vươn lên.
Theo đồng chí Phó Bí thư thường trực Thành uỷ Đà Nẵng, trước những khó khăn, thách thức do hạn chế nhiều mặt về nguồn lực đầu tư, nền kinh tế kém phát triển, hạ tầng yếu kém, thiếu đồng bộ… sau ngày chia tách với tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng đã được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự giúp đỡ, hợp tác của các địa phương bạn, đặc biệt là với sự quyết tâm phấn đấu vươn lên, sự đồng thuận của toàn xã hội và bằng những cách làm mới, sáng tạo, khai thác có hiệu quả những lợi thế của mình, TP đã nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực.
Cho biết về những thành tựu mà TP.Đà Nẵng đã gặt hái được trong 20 năm qua kể từ khi chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đồng chí Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố khẳng định: 20 năm qua, kinh tế Đà Nẵng đã và đang đạt được mức tăng trưởng đáng kể. Trong đó, giai đoạn 1997-2015 tổng sản phẩm trên địa bàn tăng liên tục với tốc độ tăng bình quân 10,47%/năm, cao hơn so với mức bình quân của cả nước (khoảng 7%/năm). Năm 2015, GRDP của Đà Nẵng đạt 49.416 tỷ đồng, gấp 6 lần so với năm 1997. Các yếu tố sản xuất như vốn đầu tư và lực lượng lao động cũng tăng dần qua các năm. Vốn đầu tư mỗi năm tăng khoảng 22,76%. Số lượng lao động trên địa bàn tăng 1,83 lần, đạt 547.007 người vào năm 2015.
Cùng với sự phát triển kinh tế, Đà Nẵng đã vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và một số kết luận, quyết định của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ về tập trung các nguồn lực cho phát triển Đà Nẵng, phân cấp mạnh và toàn diện cho thành phố…. đã giúp Đà Nẵng thuận lợi trong huy động các nguồn lực, các giải pháp đầu tư, phát triển.
Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đặc biệt coi trọng công tác quy hoạch và phát triển đô thị; quan tâm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường công tác quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong quá trình phát triển, Đà Nẵng rất coi trọng công tác quy hoạch và quy hoạch phát triển hạ tầng TP đồng bộ gắn với mở rộng không gian của TP |
Nói thêm về vai trò của kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của Đà Nẵng trong 20 năm qua, TS.Nguyễn Phú Thái (Viện Phát triển Kinh tế- Xã hội Đà Nẵng) cho biết, đến nay, tỷ lệ đóng góp bình quân của khu vực kinh tế tư nhân TP ước khoảng 43,8% vào tổng GDP của thành phố và tăng đều trong các năm qua với tốc độ bình quân 10,6%/năm (giai đoạn 2011-2015). Tương tự, đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố, khối doanh nghiệp vừa và nhỏ 45,8% với tốc độ tăng bình quân 11,3%/năm.
Cùng với đó, khối doanh nghiệp dân doanh cũng đóng góp vào ngân sách nhà nước của địa phương là 40% tổng thu ngân sách, bằng xấp xỉ với mức đóng góp của khối doanh nghiệp FDI và cao hơn 02 lần mức đóng góp của khối doanh nghiệp nhà nước. Ngoài ra, doanh nghiệp dân doanh cũng đã thu hút và giải quyết một lượng lớn lao động (khoảng 487.559 lao động, chiếm 86,75% tổng số lao động toàn thành phố và với lượng việc làm mới tăng bình quân 3,24%/năm). Kết quả trên cho thấy sự cải thiện rõ rệt về quy mô, vai trò quan trọng của doanh nghiệp dân doanh trong sự phát triển sản xuất, phát huy nội lực, đóng góp lớn vào sự phát triển của thành phố trong thời gian qua.
Trong khi đó, trên lĩnh vực an sinh xã hội, theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, rất nhiều chủ trương, chính sách giàu tính nhân văn được triển khai, mang lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt là các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, nhiều chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc như: đề án “7.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp”; chương trình nhà ở xã hội; đề án ký túc xá sinh viên và nhà ở xã hội cho công nhân và người lao động; các hoạt động kết nối giải quyết việc làm; phong trào đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; Đề án hỗ trợ sửa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng, xây nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, cùng với các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện phát triển rộng khắp…
“Có thể nói, các chính sách trên đã mang lại những kết quả đáng khích lệ. Nhờ đó, đến cuối năm 2012 Đà Nẵng đã hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn mới; đến năm 2016, 13 mục tiêu xóa mù chữ đến người cuối cùng trong độ tuổi 6 – 35 đã hoàn thành; từ năm 2006 đến năm 2016 đã có 349.036 người lao động được thành phố hỗ trợ việc làm; hơn 7.000 căn hộ được xây dựng dành cho người thu nhập thấp… tất cả đã và đang góp phần để Đà Nẵng trở thành thành phố “sống tốt” và là điểm đến lý tưởng của du khách thập phương”- Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhấn mạnh./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()