Ðà Nẵng nỗ lực thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm
Những năm gần đây, TP Đà Nẵng đã lãnh đạo, chỉ đạo rất quyết liệt trong phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật vẫn là quyết tâm thực hiện bằng được các chương trình, đề án trọng điểm và lấy kết quả đạt được làm thước đo phát triển.Đột phá về tăng trưởng kinh tếVề kinh tế, như nhiều tỉnh, thành phố khác, Đà Nẵng cũng huy động nội lực, phát động và đẩy tới nhiều chương trình kinh tế chuyên ngành có tính mũi nhọn. Nhưng đột phá và tạo cơ sở cho các chương trình khác, chính là ba chương trình kinh tế trọng điểm: Cải tạo cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng nhanh khả năng dịch vụ và phát huy thế mạnh xuất khẩu. Trong ba chương trình kinh tế trọng điểm, cơ bản, có tác động tích cực ấy, đối với chương trình thứ nhất, đến nay Đà Nẵng đã thoát ra khỏi tình trạng một đô thị lớn mà kém tính hiện đại, có phần chắp vá, manh mún; bước đầu thể hiện rõ hơn vai trò trung tâm, đầu tàu của...
Đột phá về tăng trưởng kinh tế
Về kinh tế, như nhiều tỉnh, thành phố khác, Đà Nẵng cũng huy động nội lực, phát động và đẩy tới nhiều chương trình kinh tế chuyên ngành có tính mũi nhọn. Nhưng đột phá và tạo cơ sở cho các chương trình khác, chính là ba chương trình kinh tế trọng điểm: Cải tạo cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng nhanh khả năng dịch vụ và phát huy thế mạnh xuất khẩu. Trong ba chương trình kinh tế trọng điểm, cơ bản, có tác động tích cực ấy, đối với chương trình thứ nhất, đến nay Đà Nẵng đã thoát ra khỏi tình trạng một đô thị lớn mà kém tính hiện đại, có phần chắp vá, manh mún; bước đầu thể hiện rõ hơn vai trò trung tâm, đầu tàu của khu vực miền trung – Tây Nguyên. Sự biến đổi, vượt trội ấy diễn ra rất sôi động chính trong lòng Đà Nẵng, nơi vốn chỉ có hơn 100 tuyến đường (80% là đường đất), nay đã có gần một nghìn tuyến đường mới, khang trang; dãy dài phố xá lộng lẫy ven sông Hàn; và những thay đổi về chất lượng cuộc sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người giữa năm 2010 của Đà Nẵng đã đạt 2.015 USD, gấp 2,2 lần so với năm 2005 và bằng 1,6 lần mức bình quân chung cả nước.
Ở chương trình thứ hai, nhằm phát triển mạnh quy mô, đa dạng hơn về loại hình các ngành dịch vụ, điểm đáng chú ý là cách đây vài năm, Đà Nẵng đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Bằng cách đẩy mạnh phát triển du lịch, tăng lượng hàng bán buôn khâu trung gian, thúc đẩy các lĩnh vực xây dựng – công nghiệp – du lịch và hỗ trợ các ngành kinh tế có quan hệ với du lịch, Đà Nẵng đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, tỷ trọng các ngành dịch vụ trong GDP của Đà Nẵng năm 2010 đã đạt 50,5% (cao hơn khi điều chỉnh); công nghiệp – xây dựng 46,5% và nông nghiệp thu gọn còn 3%. Điều rõ ràng là các chương trình, đề án trọng điểm ấy cũng cuốn theo sự chuyển dịch cơ cấu lao động, làm cho lao động dịch vụ tăng 55,3%; lao động công nghiệp ở mức hơn 35%. Các ngành dịch vụ ở Đà Nẵng đang phát triển với tốc độ tăng trưởng 15,6%/năm, vượt xa chỉ tiêu đại hội trước đề ra. Tổng doanh thu từ du lịch trên địa bàn ước đạt 3.850 tỷ đồng, tăng 20,1%/năm. Đã có 24 trung tâm thương mại, siêu thị; 88 chợ các loại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 21,1%/năm. Với chương trình phát triển kinh tế – xuất khẩu, Đà Nẵng đã liên tục thay đổi cách làm suốt thời gian qua. Từ chỗ chỉ gom hàng trong khu vực một cách thụ động, manh mún, chủ yếu trông chờ vào sản lượng thủy, hải sản và dệt – may, nay Đà Nẵng bứt phá từng bước, bằng cách xuất khẩu thêm sản phẩm phần mềm, sản phẩm cơ khí, tư vấn đa lĩnh vực, tiến hành xuất khẩu cả trong quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ, xuất khẩu lao động,… Thực chất là tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu không chỉ về hàng hóa, mà chú trọng nhiều hơn về dịch vụ. Điều đó đã làm cho kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 20%/năm trong 5 năm qua. Triển khai theo hướng đẩy xuất khẩu – dịch vụ lên, Đà Nẵng mở ra nhiều ngành, dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu. Hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin cũng được nâng cấp nhanh, với 266 điểm giao dịch (của 18 công ty chuyên ngành của trung ương và địa phương), mật độ điện thoại cố định đạt gần 30 máy/100 dân, gần 14 thuê bao in-tơ-nét/100 dân, 100% thôn xóm có dịch vụ in-tơ-nét. Hoạt động vận tải phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại nội địa và xuất khẩu cũng gia tăng. Kinh tế biển Đà Nẵng ngày càng trở thành thế mạnh, gắn liền với bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển. Trong đó, riêng về khai thác, chế biến thủy, hải sản vẫn tăng đều 8,2 – 9%/năm.
Chú trọng phát triển văn hóa – xã hội
Về mặt xã hội, Đà Nẵng đã thực hiện lồng ghép cả hai chương trình 'Năm không' và 'Ba có' tập trung vào hai nhân tố cơ bản là con người và hộ (gia đình). Từ chỗ phấn đấu 'Không còn hộ đói, không có người mù chữ, không còn người lang thang xin ăn, không có kẻ giết người để cướp của, không còn người nghiện ma túy trong cộng đồng', tiến lên một bước, Đà Nẵng phấn đấu 'có nhà ở, có việc làm, có lối sống văn minh đô thị'. Theo từng năm, thông qua các kỳ họp HĐND, Đà Nẵng liên tục điều chỉnh các mục tiêu trên theo hướng nâng cao và đan xen thực hiện các mục tiêu ấy theo từng địa bàn cụ thể. Thí dụ, sau khi đã 'xóa' xong hộ đói, Đà Nẵng điều chỉnh mục tiêu theo hướng 'Không còn hộ đặc biệt nghèo theo chuẩn Đà Nẵng', hoặc 'Không có học sinh các cấp bỏ học'… Để thực hiện Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, với mong muốn sớm đào tạo được 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở môi trường nước ngoài, Đà Nẵng đã lập cả một trung tâm chuyên trách để lo giải quyết vấn đề này. Cách mời gọi 'nhân tài' cũng rất cụ thể, theo tiêu chí, cần lĩnh vực nào, mời lĩnh vực ấy và có chính sách đãi ngộ đặc biệt kèm theo. Còn lại, phải thông qua thi tuyển. Hơn 500 tiến sĩ, thạc sĩ, sinh viên xuất sắc đã về, ở lại (sau đào tạo) với Đà Nẵng theo cách làm rất cụ thể ấy.
Cũng cần kể về một việc làm ở Đà Nẵng, khi bổ sung lực lượng giữ gìn an ninh – trật tự, thành phố đã tuyển 300 bộ đội xuất ngũ, thiếu việc làm, để huấn luyện, lập ngay Đội Thanh niên xung kích. Cùng với đó, thành phố còn tặng tiền nhân dịp năm mới cho thành viên các đội xích-lô, xe thồ, tặng Bằng khen, tiền thưởng cho họ khi lập được thành tích; xây hơn 100 nhà liền kề cho những chị em có hoàn cảnh éo le. Các tổ chức đoàn thể, Mặt trận luôn cử người gặp gỡ, khuyên bảo, giáo dục trực tiếp gần 300 thanh, thiếu niên hư hỏng; gần 500 đối tượng mãn hạn tù, hoàn cảnh khó khăn vay vốn làm ăn. Thành phố thực hiện việc miễn giảm tiền thuế đất, tiền thuê nhà ở cho các đối tượng chính sách… Không phải là chuyện 'đụng đâu, làm đấy' mà Đà Nẵng có cách 'gỡ ra những nút thắt nhỏ', để tạo lập bức tranh toàn cảnh về xã hội thanh bình, phồn thịnh hơn. Từ chỗ xuất phát điểm cơ bản còn thấp, sau mười năm, 100% số phường, xã ở Đà Nẵng đều duy trì được phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Toàn thành phố đã có 25 trường mầm non, 66 trường tiểu học, 10 trường THCS, ba trường THPT đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn còn có một học viện, bảy trường đại học công, năm trường đại học ngoài công lập, mười trường cao đẳng, 48 cơ sở dạy nghề và viện nghiên cứu chuyên ngành. Cuối năm nay, khoảng 3.000 căn hộ dành cho người có thu nhập thấp cũng sẽ được chuyển giao. Điều này dễ hiểu vì sao Đà Nẵng chọn năm 2010 làm 'Năm tiếp tục cải tạo cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội'…
Tuy vậy, xoay quanh các đề án, chương trình trọng điểm, không ít vấn đề Đà Nẵng vẫn chưa làm được, hoặc làm chưa tốt. Kinh tế Đà Nẵng, nếu nhìn từ các doanh nghiệp, thì cơ bản quy mô vẫn nhỏ, tích lũy dành cho phát triển còn hạn chế; sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp; công nghiệp phụ trợ phát triển chậm; sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng còn ít; kinh tế biển đầu tư, khai thác chưa hợp lý. Điều đó làm cho tầm độ và khả năng phát triển bền vững của kinh tế Đà Nẵng càng vấp phải nhiều nỗi lo có tính chiến lược, nếu đặt trong xu thế hội nhập quốc tế. Giải quyết tốt những vấn đề trên, thế và lực của Đà Nẵng sẽ tăng lên rất nhiều.
Theo Nhandan
Ý kiến ()