Ðà Nẵng khai thác thế mạnh từ sông, biển
Lắp đặt hộp dầm thép cầu Rồng bắc qua sông Hàn. Bằng việc khai thác triệt để lợi thế sông dài, biển rộng, núi cao, những năm gần đây TP Đà Nẵng đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp" sang "dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp", trong đó dịch vụ du lịch và thương mại là hướng đột phá, xứng đáng là trung tâm vùng kinh tế trọng điểm các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.Khai thác tiềm năngVới diện tích tự nhiên gần 1.300 km2, Đà Nẵng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có diện tích rừng lớn bao phủ các đồi núi phía tây thành phố, có hệ thống sông chảy trong đô thị và bờ biển nằm ở phía đông dài gần 100km. Đặc biệt bán đảo Sơn Trà với độ cao gần 700m có nhiều cảnh quan đẹp, là khu rừng sinh thái hoang dã, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.Phát huy tiềm năng về thiên nhiên, những năm qua, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển không gian, hạ tầng và...
Lắp đặt hộp dầm thép cầu Rồng bắc qua sông Hàn. |
Khai thác tiềm năng
Với diện tích tự nhiên gần 1.300 km2, Đà Nẵng có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có diện tích rừng lớn bao phủ các đồi núi phía tây thành phố, có hệ thống sông chảy trong đô thị và bờ biển nằm ở phía đông dài gần 100km. Đặc biệt bán đảo Sơn Trà với độ cao gần 700m có nhiều cảnh quan đẹp, là khu rừng sinh thái hoang dã, rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.
Phát huy tiềm năng về thiên nhiên, những năm qua, Đà Nẵng đã tập trung đầu tư phát triển không gian, hạ tầng và kiến trúc đô thị theo định hướng bám theo chiều dài bờ sông, bờ biển, vừa tạo diện mạo cho thành phố hướng ra mặt sông, bãi biển, vừa góp phần phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông thôn. Theo đó, để phát triển bờ đông sông Hàn, nơi chủ yếu sinh sống của ngư dân các làng chài, trong quy hoạch phát triển, Đà Nẵng chú trọng đầu tư xây dựng nhiều công trình cầu vượt sông, mở mới các tuyến đường ven sông, ven biển. Bên cạnh khu đô thị cũ chủ yếu tập trung trên địa bàn hai quận Hải Châu và Thanh Khê, bờ tây sông Hàn được xác định với chức năng ưu tiên là dịch vụ thương mại, khách sạn, văn phòng và tài chính ngân hàng. Khu đô thị phía tây bắc bao gồm quận Liên Chiểu và một phần quận Cẩm Lệ rộng khoảng 2.200 ha được quy hoạch thành khu công nghiệp dịch vụ, với nhiều khu công nghiệp lớn, trong đó có KCN Hòa Khánh diện tích khoảng 1.000 ha, KCN Liên Chiểu hơn 420ha… Khu đô thị tây nam thuộc địa bàn quận Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang được coi là hướng phát triển chính của Đà Nẵng. Thành phố đã tập trung nhiều nguồn vốn thuộc dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên để nâng cấp các tuyến đường, xây mới cầu Cẩm Lệ nối khu vực trung tâm thành phố với quốc lộ 1A. Nối đường vành đai phía nam với đường ven biển Sơn Trà-Điện Ngọc. Nhờ tập trung đầu tư, nhất là nhận được sự đồng thuận cao của hàng nghìn hộ ngư dân sống ven sông, biển sẵn sàng chuyển đổi nghề chài lưới lâu đời để lên bờ đến những khu ở mới, nhường đất cho các công trình công cộng. Đến nay, vệt đất phía đông sông Hàn đã thành con đường mang tên Trần Hưng Đạo, với dải vườn hoa, cây xanh chạy dọc ven sông và những tòa nhà mới mọc san sát. Dải đất ven biển nhếch nhác ngày nào, nay đã nhường chỗ cho những con đường mới, với những tên gọi rất đỗi thân quen đối với mỗi người dân Việt Nam, đó là các tuyến đường Hoàng Sa, Trường Sa… Dọc hai bên đường đã và đang hình thành hàng loạt các khu du lịch nghỉ dưỡng, những bãi tắm xanh-sạch và đẹp, như Non Nước, Mỹ Khê… Đây cũng chính là địa dư của hai quận mới Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn chạy dọc bờ Biển Đông.
Hướng ra biển lớn
Để cân bằng đông-tây, đưa dải đất ven biển phía đông về gần hơn với trung tâm thành phố, Đà Nẵng đã tập trung xây dựng nhiều cây cầu nối đôi bờ sông Hàn. Trong đó, ngoài cầu quay sông Hàn đã đưa vào sử dụng ngày 29-3-2000 và trở thành biểu tượng của thành phố cảng miền trung, trên sông Hàn còn có nhiều cầu khác mới hoàn thành đưa vào sử dụng, như cầu Tuyên Sơn, cầu Cẩm Lệ. Đáng chú ý cầu Thuận Phước nối trung tâm thành phố với bán đảo Sơn Trà đã tạo điều kiện thuận lợi cho cư dân trên bán đảo này chuyển đổi nghề, phát triển du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái. Hiện nay, vượt sông Hàn tiếp tục có nhiều cầu mới đang được khẩn trương xây dựng. Đó là cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý. Điều dễ nhận thấy là kiến trúc của những cây cầu vượt sông Hàn khá đặc biệt, theo xu thế hiện đại, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc và hòa nhập với cảnh quan thiên nhiên sẵn có.
Có mặt trên công trường xây dựng hai cây cầu mới những ngày Tháng Tám này, chúng tôi đã không khỏi bất ngờ trước quy mô và kiến trúc độc đáo của công trình. Nằm sát cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý cũ kỹ là cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý đang được những người thợ cầu Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1) khẩn trương thi công. Dẫn chúng tôi đi thăm công trình, kỹ sư Nguyễn Bá Toản, Giám đốc Ban điều hành dự án cho biết: Việc đầu tư xây dựng mới cầu Nguyễn Văn Trỗi – Trần Thị Lý với sáu làn xe cơ giới tải trọng HL 93 thay thế cho cầu cũ nhằm bảo đảm giao thông, đáp ứng nhu cầu vận tải và giao lưu của nhân dân thành phố, nhất là hai quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn. Đây là hai khu đô thị mới chạy dọc theo bờ biển, với diện tích khoảng 3.000ha. Cầu mới sau khi hoàn thành sẽ giảm tải cho các cây cầu khác và tạo thêm một tuyến giao thông mới của thành phố theo hướng đông – tây, nối cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng với các tuyến giao thông quan trọng khác của thành phố.
Nếu cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Thị Lý như một con thuyền với cột buồm và hai cánh buồm được hình thành từ trụ tháp cao 127m và những sợi dây văng, thì cầu Rồng cách đó không xa cũng đang từng ngày, từng giờ hiện ra đúng với tên gọi của nó, đó là một con rồng khổng lồ nằm uốn lượn suốt dọc chiều dài cây cầu, với thế vươn mình mạnh mẽ, đầu hướng ra biển lớn.
Một ngày không xa, Đà Nẵng sẽ có thêm hai cây cầu mới vượt sông Hàn và hướng ra biển, cùng với các khu công nghiệp, dịch vụ, khu dân cư mới và những tuyến đường không ngừng được đầu tư nâng cấp mở rộng, tạo nên mối liên kết chặt chẽ sông-biển-đường hàng không và đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông đô thị, giúp Đà Nẵng khai thác lợi thế “mặt tiền” gần 100km bờ biển để phát triển kinh tế – xã hội, xóa dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, đưa thành phố từ đô thị loại II lên loại I.
Theo Nhandan
Ý kiến ()