Đà Nẵng: Hướng đến mô hình đô thị xanh và bền vững
Tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững và hướng đến một đô thị xanh, là một ưu tiên lựa chọn của TP Đà Nẵng hiện nay và trong tương lai. Tuy nhiên, phải bắt đầu từ đâu, tập trung vào lĩnh vực nào?...
Phát huy vai trò đầu tàu của khu vực
Tại Hội thảo “Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” vừa diễn ra tại Đà Nẵng, nhiều ý kiến của đại diện các Bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng cũng như các chuyên gia trên các lĩnh vực có liên quan đã khẳng định, thống nhất với định hướng của Đà Nẵng trong tương lai là xây dựng TP Đà Nẵng một đô thị xanh và bền vững vào năm 2020.
Hội thảo Tái cơ cấu kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2020. |
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng – Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, việc đầu tiên đặt ra cho Đà Nẵng là phải tái cơ cấu lại nền kinh tế. Quá trình này cần phải gắn chặt với những thay đổi quốc tế hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Cùng quan điểm Đà Nẵng phải tập trung trước mắt cho công tác tái cơ cấu lại nền kinh tế, TS.Trần Du Lịch cho rằng, Đà Nẵng cần xác định rõ tập trung tái cơ cấu những gì chứ không phải tái cơ cấu tất cả.
TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh, một số lĩnh vực thành công của Đà Nẵng cần tiếp tục đầu tư phát triển như: Kiến trúc đô thị, cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin, nhất là công nghệ phần mềm, du lịch biển, nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng trung tâm hậu cần nghề cá,… trong đó, cần chú ý kinh tế trên biển, ngư dân đánh bắt xa bờ. Đặc biệt, cần ưu tiên huy động vốn đầu tư hỗ trợ thị trường để tạo sự kết nối phát triển các lĩnh vực ưu tiên của thành phố.
Khẳng định vai trò hậu cần của Đà Nẵng đối với các địa phương lân cận, TS. Trần Du Lịch cho rằng, trong phát triển du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng cần nhìn trong không gian kết nối với Hội An và Điện Bàn (Quảng Nam), để có một sự đầu tư phù hợp, mà trước hết là ưu tiên khai thông con sông Cổ Cò (kéo dài từ Đà Nẵng đến Hội An), tạo thêm một sản phẩm du lịch mới, một điểm riêng cho vùng đất xứ Quảng.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, trong tái cơ cấu kinh tế, Đà Nẵng cần xác lập một sự khác biệt, có phương pháp tiếp cận đột phá mạnh mẽ; trong đó, cần định vị là vai trò trung tâm trong chuỗi phát triển cho toàn khu vực miền Trung, nhất là phát triển du lịch, dịch vụ có đẳng cấp để đón du khách đến miền Trung. Điểm thứ hai là xây dựng thành phố đẹp, thông minh và an toàn. Điều này rất khả thi, dựa trên cơ sở dự án thành phố thông minh hơn do IBM hỗ trợ trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin tốt, cũng như các nội dung xây dựng thành phố “5 không”, mang đến cho du khách một cảm giác thật thân thiện khi tới Đà Nẵng.
Đô thị Đà Nẵng hiện nay còn thiếu chỗ chơi, thiếu những trung tâm mua sắm lớn. Du khách đến Đà Nẵng chỉ để đi tắm biển, đi ăn hải sản… Do vậy, bên cạnh sân gôn ở Bà Nà và bãi biển hạng nhất, Đà Nẵng cần xây dựng một số sản phẩm du lịch có đẳng cấp khác như: Bến du thuyền, khu phố đêm quy mô lớn… Đây là điều cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Một góc của TP Đà Nẵng hiện nay. (Ảnh: ĐT) |
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng đề cập đến việc xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng phát triển công nghệ thông tin, cơ khí, điện tử, công nghiệp hỗ trợ… Trong cơ khí, Đà Nẵng nên phát triển cơ khí chính xác, khuôn mẫu. Các địa biểu cũng nhấn mạnh đến vai trò động lực của doanh nghiệp dân doanh, các nhà đầu tư chiến lược trong nền kinh tế thị trường.
Hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững
Mục tiêu, định hướng của thành phố Đà Nẵng là thực hiện tái cơ cấu kinh tế để chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế qui mô rộng sang phát triển theo chiều sâu, bảm đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả năng lực cạnh tranh, hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách hiện nay của Đà Nẵng, trên cơ sở thực hiện chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Ttrong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ: tái cơ cấu đầu tư công, tăng sức cạnh tranh, gắn với nhu cầu thị trường trong và ngoài nước; tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ sự phát triển ngành dịch vụ theo chiều sâu, nhất là sản phẩm có lợi thế như: du lịch, thương mại, giáo dục…; đồng thời, đẩy mạnh phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí chính xác, công nghiệp hỗ trợ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp và xây dựng.
Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiêp dân doanh phát triển ngành sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và tạo nguồn thu ổn định bền vững cho kinh tế thành phố; tái cơ cấu thị trường, trong đó, hết sức chú trọng thị trường trong nước; tích cực xúc tiến du lịch tại các thị trường như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga và thị trường du lịch nội địa… Bên cạnh đó, cần tái cơ cấu nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chính quyền đô thị…
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()