Đà Nẵng: Đào tạo nguồn nhân lực để phục hồi du lịch
Lớp học đào tạo kỹ năng nghiệp vụ buồng cho nhân viên khách sạn. |
Nâng cao nghiệp vụ và hỗ trợ nhân lực du lịch vượt qua khó khăn
Theo thống kê của ngành du lịch TP. Đà Nẵng, dịch bệnh đã khiến ngành du lịch Đà Nẵng bị thiệt hại lớn.
Trong tình hình ấy, Sở Du lịch Thành phố phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các sở, ban, ngành đang từng bước tổ chức những sự kiện, các hoạt động chương trình nhằm kích cầu du lịch để từng bước khôi phục lại từng hoạt động của ngành du lịch. Trong đó, công tác đào tạo hỗ trợ du lịch là nhiệm vụ quan trọng được tập trung hàng đầu.
Để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tranh thủ thời gian là “mùa thấp điểm” của ngành du lịch, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động được nâng cao nghiệp vụ, Liên đoàn Lao động Thành phố phối hợp với Sở Du lịch, Hội Khách sạn Thành phố đã tổ chức khóa đào tạo kỹ năng nghiệp vụ buồng theo tiêu chuẩn VTOS và khóa đào tạo kỹ năng Sales OTA với lực lượng giảng viên là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực du lịch, khách sạn.
Ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố cho biết gần 60 học viên của các khách sạn được các chuyên gia nâng cao kiến thức về kinh doanh online và phục vụ buồng phòng, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh các kênh quảng bá, thu hút du khách và đẩy mạnh doanh thu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn và tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh hoạt động nâng cao nghiệp vụ, Liên đoàn Lao động Đà Nẵng đã trợ cấp khó khăn cho gần 750 đoàn viên khó khăn đột xuất, bị mất việc làm tại các trường mầm non tư thục và đơn vị du lịch, lữ hành tổng trị giá gần 650 triệu đồng.
Đẩy mạnh quảng bá online
Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng cho biết thị trường du lịch Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ với số lượng hơn 1.000 khách sạn, tính cạnh tranh cao hơn thì nhu cầu nâng cao năng lực của đội ngũ nhân sự cấp cao, tầm trung và phục vụ rất quan trọng. Đặc biệt là sau dịch COVID-19, nhu cầu đào tạo về mảng online càng bức thiết hơn, kinh doanh trên mạng là xu thế và cần đẩy mạnh để hút thị trường quốc tế sau này.
Hiện tâm lý khách du lịch còn e ngại dịch bệnh nên họ chọn cách đặt phòng qua mạng là cách thức phù hợp nhất. Theo nghiên cứu về xu hướng thị trường hậu COVID-19, tỉ lệ người chọn phương thức đặt phòng khách sạn qua nền tảng trực tuyến chiếm 44,1%, sau đó là liên hệ trực tiếp 29,3%, công ty du lịch lớn 16,9%, đại lý du lịch nhỏ 9,7%.
“Thị trường du lịch sẽ có nhiều thay đổi, đặc biệt là cách thức du khách lựa chọn điểm đến và lập kế hoạch hành trình. An toàn sức khoẻ và vệ sinh là mối quan tâm hàng đầu của khách hàng. Cần có biện pháp để trấn an tâm lý du khách thông qua tăng cường các biện pháp y tế, cung cấp giấy chứng nhận y tế..”, ông Quỳnh lưu ý.
Sau 2 khoá đào tạo về sales OTA và buồng phòng, dự kiến trong năm nay, Hội Khách sạn cùng các đơn vị sẽ tiếp tục mở các khoá về đào tạo kinh doanh online và kỹ năng quản lý chung của các khách sạn.
Ông Cao Ngọc Tuấn, chuyên gia Sales&Marketing trong ngành khách sạn-du lịch, các kênh trực tuyến đã rất phát triển trên thế giới như Booking, Agoda, Tripadvisor, abay… Sự hiện diện tên khách sạn trên nhiều website sẽ tạo được ấn tượng về mặt thương hiệu và người dùng cũng sẽ dễ dàng đặt phòng hơn.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, vừa qua, ngành du lịch Đà Nẵng đã kết hợp cùng với đài BBC làm video và quảng bá mạnh trên các kênh online nhằm thu hút khách du lịch quốc tế, hy vọng đây sẽ là cú hích mạnh mẽ cho ngành du lịch Thành phố ngay khi các đường bay quốc tế mở cửa trở lại.
Ý kiến ()