Đã là cứu nạn, cứu hộ thì không được phân biệt khẩn cấp, thông thường
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đã là cứu hộ, cứu nạn thì khi xảy ra sự cố là phải cứu, không phân biệt trường hợp khẩn cấp và thông thường.
Dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, trong phiên họp thứ 8 diễn ra vào chiều 21/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy và chữa cháy (PCCC).
Tờ trình Nghị định do Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Thành trình bày cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ; các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới tập trung nhiều công trình cao tầng, phức hợp với tính chất ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn.
Mặt khác, các diễn biến bất thường của khí hậu, thời tiết trong những năm qua làm cho nguy cơ xảy ra các sự cố, tai nạn, cháy, nổ… gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân ngày càng phức tạp, nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, văn bản pháp lý cao nhất quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC mới chỉ là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên hiệu lực pháp lý thấp… Do vậy, việc nghiên cứu xây dựng Nghị định quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC là cần thiết.
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt nêu rõ, đa số ý kiến nhất trí phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định vì nội dung dự thảo cơ bản kế thừa các quy định của Quyết định số 44 hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với thực tiễn hoạt động cứu nạn, cứu hộ hiện nay.
Đồng thời, công tác cứu nạn, cứu hộ được quy định trong dự thảo Nghị định là hoạt động bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, không chồng chéo với hoạt động cứu nạn, cứu hộ do Ủy ban Quốc gia tìm kiếm, cứu nạn chỉ đạo…
Đa số các ý kiến của UBTVQH đều đồng tình với việc ban hành nghị này để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Liên quan đến quy định thực hiện công tác cứu hộ thông thường, Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội nhận thấy, theo quy định của dự thảo Nghị định, hoạt động cứu hộ thông thường được thực hiện theo đề nghị của tổ chức, cá nhân thông qua giao kết hợp đồng hoặc thỏa thuận, có thu tiền, đây là hoạt động dịch vụ trên cơ sở giao dịch dân sự.
Việc giao lực lượng PCCC thực hiện nhiệm vụ này chưa phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an nhân dân. Mặt khác, việc sử dụng lực lượng, phương tiện do Nhà nước trang bị để thực hiện hoạt động dịch vụ là không phù hợp với quy định tại Điều 16, Điều 28 Luật Quản lý sử dụng tài sản Nhà nước và Nghị định 106/2009/NĐ-CP ngày 16/11/2009 quy định việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước tại đơn vị vũ trang nhân dân. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chỉnh lý nội dung này cho phù hợp.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, đã là cứu hộ, cứu nạn thì khi xảy ra sự cố là phải cứu, không phân biệt trường hợp khẩn cấp và thông thường. Do đó, không nên quy định “cứu hộ thông thường” như trong dự thảo Nghị định (Khoản 4 Điều 3, Khoản 7 Điều 14, Điểm b Khoản 1 Điều 34).
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Khi đô thị hóa phát triển thì vấn đề cứu nạn, cứu hộ trong thành phố ngày càng trở nên quan trọng. Khi nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ trong thành phố lớn lên, lúc đó không chỉ là làm nhiệm vụ Nhà nước giao, mà còn có trường hợp cứu nạn thông thường. Đó cũng chính là việc thực hiện dịch vụ trong cứu nạn, cứu hộ. Tuy ủng hộ quy định này, song ông Bình cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu để quy định cho “khéo”, chứ không nên quy định là phải ký hợp đồng thì mới thực hiện việc cứu hộ, cứu nạn.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, đa số ý kiến đồng tình với việc ban hành Nghị định. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ nghiên cứu kỹ các ý kiến của UBTVQH và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng, An ninh để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo Nghị định.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()