Đã dự trữ đủ số gạo thóc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu
Đến ngày 20/8, 22 cục dự trữ Nhà nước khu vực đã hoàn thành nhập kho dự trữ quốc gia 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cán bộ Chi cục DTNN Tuyên Quang thực hiện các quy trình bảo quản gạo sau khi nhập kho dự trữ quốc gia. |
Theo đánh giá của Tổng cục DTNN, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều nước trên thế giới và trong khu vực đều đã dừng xuất khẩu lương thực (Nga, Ukraine, Ấn Độ, Campuchia, Myanmar…). Bên cạnh đó, một số quốc gia tăng cường nhập khẩu gạo (Trung Quốc, Philippines, Indonesia…), nên nhu cầu xuất khẩu gạo tăng cao, giá lương thực trong nước tăng mạnh từ thời điểm các nhà thầu tham dự thầu (ngày 12/3) so với thời điểm có thông báo kết quả trúng thầu (từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4). Chính vì vậy, nhiều nhà thầu trúng thầu từ chối ký hợp đồng với số lượng 170.300 tấn.
Các Cục DTNN khu vực đã thu bảo đảm dự thầu của các nhà thầu từ chối ký hợp đồng theo quy định của Luật Đấu thầu và đã nộp ngân sách Nhà nước với tổng giá trị 27,877 tỷ đồng.
Ngày 12/5, các đơn vị đã mở thầu đợt 2, kết quả đã trúng thầu, ký hợp đồng và hoàn thành nhập kho 151.180 tấn gạo vào ngày 30/6. Còn lại 31.120 tấn không có nhà thầu trúng thầu, các đơn vị đã thực hiện các thủ tục hủy thầu để triển khai đấu thầu lại theo quy định.
Để hoàn thành kế hoạch nhập gạo dự trữ quốc gia được giao, ngày 6/7, các đơn vị DTNN khu vực đã mở thầu đợt 3 để mua nốt số gạo còn lại. Kết quả đã trúng thầu, ký hợp đồng và hoàn thành nhập kho dự trữ quốc gia 31.120 tấn vào ngày 15/8.
Đối với kế hoạch mua 80.000 tấn thóc nhập kho, căn cứ thời vụ thu hoạch tại các vùng, miền trong cả nước, các đơn vị khu vực triển khai thực hiện chỉ tiêu kế hoạch mua thóc theo phương thức trực tiếp rộng rãi của mọi đối tượng.
Tổng hợp kết quả mua của 4 khu vực (Nam Bộ, Nam miền Trung, Bắc miền Trung và miền Bắc) trong cả nước, đến ngày 20/8, các đơn vị đã hoàn thành nhập kho 80.000 tấn thóc theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020.
Ý kiến ()