Đa dạng thị trường xuất khẩu gỗ, giảm rủi ro
Xuất khẩu gỗ hướng tới mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm 2020.
Chưa bị tác động lớn bởi dịch bệnh
Những tháng đầu năm 2020, tình hình dịch bệnh đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất khẩu (XK) của nhiều nhóm ngành hàng nước ta. Tuy nhiên, ngành gỗ là một trong những ngành hiếm hoi chưa chịu nhiều tác động. Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Nhà sáng lập và Chủ tịch Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn cầu GIBC nhận định, với thế giới, khả năng chế tác thủ công mỹ nghệ và chế biến gỗ của Việt Nam đã được ghi nhận. Bằng chứng là đồ nội thất “Made in Vietnam” đã có mặt khắp thế giới. Thậm chí, phân khúc cao cấp nhất, cung cấp sản phẩm cho các công trình đẳng cấp của quốc tế, doanh nghiệp (DN) gỗ Việt Nam cũng đã tham gia.
Không chỉ đồ gỗ nội thất mà ở nhiều sản phẩm khác, đồ gỗ Việt ngày càng được ưa chuộng và khẳng định được thương hiệu. Thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, thời điểm này, ngành gỗ chưa chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 khi XK toàn ngành đạt 15,3 tỷ USD trong hai tháng đầu năm nay, tăng khoảng 10,1% so với cùng kỳ. Nhiều DN gỗ tin tưởng tăng trưởng kim ngạch XK gỗ năm nay sẽ đạt mức 20%.
Nguyên nhân được nhiều DN trong ngành chỉ ra rằng, năm 2019 bất chấp thương chiến Mỹ – Trung, ngành gỗ vẫn tăng trưởng 22% với kim ngạch đạt khoảng 11,2 tỷ USD. Bước sang 2020, dù kinh tế thế giới đang chịu nhiều tác động tiêu cực của dịch Covid-19 thì một lần nữa ngành gỗ lại là ngành hàng hiếm hoi chưa chịu nhiều tác động, thậm chí còn được hưởng một số lợi ích từ việc này.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội gỗ Bình Dương nhận định, từ đầu năm đến nay, rất nhiều nhà máy tại Trung Quốc đã ngưng hoạt động để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Do đó các đơn hàng sản xuất đồ gỗ lại đổ dồn vào các nước khác, trong đó có Việt Nam, giúp gia tăng kim ngạch XK.
Với hoạt động sản xuất trong nước, nguyên liệu gỗ hiện chủ yếu là sản xuất trong nước và nguồn gỗ thiếu hụt được nhập khẩu từ các nước khác như Mỹ, Canada, châu Phi. Về XK, thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… nên việc bị ảnh hưởng về dịch bệnh chưa đáng kể. Ngoài ra, Việt Nam còn có rất nhiều FTA thế hệ mới, đặc biệt là EVFTA mới được Nghị viện Châu Âu phê chuẩn, dự kiến có hiệu lực trong năm nay, sẽ tạo động lực tốt để ngành gỗ phát triển khi thuế XK sản phẩm này vào EU sẽ giảm về 0%.
Cần đa dạng hóa thị trường
Dù trước mắt chưa chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song năm 2020 vẫn được nhận định là một năm biến động đối với ngành gỗ Việt Nam. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, phân tích, dăm gỗ là mặt hàng quan trọng nhất được xuất từ Việt Nam sang Trung Quốc, với kim ngạch năm 2019 đạt 972,2 triệu USD, chiếm 79,2% tổng kim ngạch XK của tất cả các mặt hàng gỗ Việt Nam vào Trung Quốc. Dịch Covid-19 làm cho các công ty sản xuất giấy, bột giấy tại Trung Quốc phải ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng gây khó khăn cho hoạt động XK dăm gỗ của Việt Nam sang thị trường này. Do đó, việc đa dạng hóa thị trường là việc làm cần thiết để giảm rủi ro.
Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Woodsland chia sẻ thêm, ảnh hưởng lớn nhất của dịch Covid-19 là liên quan đến cung ứng một số nguyên liệu còn sử dụng nhà cung cấp Trung Quốc như một số phụ kiện hay vật liệu phủ bề mặt (sơn). Sơn chiếm 7% giá thành của sản phẩm nhưng không có loại sơn đó thì toàn bộ lô hàng sử dụng vật liệu đó sẽ bị ảnh hưởng. Sự gián đoạn cung ứng này cũng gây ra tác hại lớn.
Đến nay, XK vẫn là một trong những trọng tâm của ngành gỗ Việt. Các chuyên gia cho rằng, không chỉ nhằm mục tiêu tăng trưởng 20% trong năm 2020, mà để phát triển bền vững thị trường XK không chỉ là mở rộng nhanh, mà còn đòi hỏi tính ổn định. Để làm được điều này, các DN và cơ quan quản lý cần nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường XK, cũng như nghiên cứu được các yếu tố tác động trong tương lai, từ đó đưa ra các chiến lược hợp lý. Xác định rủi ro, kiểm soát và loại bỏ rủi ro là điều kiện sống còn của ngành, đặc biệt là ở các thị trường truyền thống có yêu cầu cao về tính pháp lý và bền vững của sản phẩm.
Hiện, các cơ quan quản lý và DN trong ngành đã và đang đưa ra nhiều cơ chế chính sách và giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro. Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia Tổ chức Forest Trends nhận định, các thông tin về ngành cần chính xác và minh bạch, phản ánh bức tranh thực tế của ngành. Từ đó hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết sách, cân bằng các ưu tiên, nhằm giúp ngành phát triển bền vững trong tương lai.
Tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại cũng là giải pháp để đa dạng hóa thị trường cho các sản phẩm gỗ và đồ gỗ. Theo bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), mới đây, ban tổ chức Hội chợ đồ gỗ Las Vegas (Hoa Kỳ) đã gửi thư ngỏ với mong muốn các nhà cung cấp gỗ Việt Nam tham gia hội chợ vào tháng 7-2020; đồng thời sẽ cùng với Cục Xúc tiến thương mại làm việc với Tạp chí Furniture Today quảng bá mạnh mẽ thương hiệu đồ gỗ Việt Nam. Nguyên nhân do các đơn vị mua hàng Hoa Kỳ đang mong muốn tìm kiếm các nguồn cung ứng để thay thế dần thị phần của Trung Quốc, trong sức ép đồ gỗ Trung Quốc đang phải chịu mức thuế cao, kèm theo dịch bệnh chưa được kiểm soát. Đây là cơ hội tốt cho DN tham gia quảng bá, tiếp cận khách hàng tại Hoa Kỳ, một trong những thị trường lớn nhất của đồ gỗ Việt, giúp đa dạng hóa thị trường và tìm kiếm thêm các khách hàng tiềm năng.
Ý kiến ()