Đa dạng thị trường tiêu thụ nhãn tươi
Hiện nay, hai vùng trồng nhãn lớn ở phía bắc là Hưng Yên và Sơn La đang bước vào vụ thu hoạch. Với sản lượng dự kiến hàng trăm nghìn tấn trong vụ này, các địa phương đang thực hiện nhiều giải pháp xúc tiến, quảng bá sản phẩm nhãn tại thị trường trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm tiêu thụ hết sản phẩm cho bà con nông dân.
Thu hoạch nhãn vụ 2022 tại Sơn La. |
Hết năm 2021, diện tích trồng nhãn ở phía bắc có gần 48.000ha, riêng hai tỉnh Hưng Yên và Sơn La trong niên vụ này trồng hơn 25.000ha, sản lượng dự kiến hơn 145.000 tấn.
Sản lượng tăng
Bước vào vụ thu hoạch năm nay, nhiều nhà vườn ở thành phố Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) phấn khởi vì nhãn được mùa. Bác Bùi Xuân Tám, thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên cho biết: “Năm nay, các vườn nhãn ở trong thôn đều được mùa lớn. Gia đình tôi trồng gần hai mẫu nhãn cho thu hơn 13 tấn quả tươi. Nhưng phấn khởi nhất là nhãn đầu vụ đang được giá, gia đình tôi bán mỗi ngày hơn hai tạ quả tươi, giá 35 nghìn đồng/kg. Mặc dù vậy, các nhà vườn cũng đang lo lắng bởi nhãn chính vụ chuẩn bị thu hoạch rộ, không biết giá nhãn sẽ còn giữ được hay giảm sâu?”.
Thành phố Hưng Yên là “thủ phủ” của giống nhãn lồng đặc sản với diện tích hơn 1.000ha và được trồng ở nhiều địa phương. Theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên Cao Cường, sản lượng nhãn năm nay của thành phố đạt khoảng 13.000 tấn, tăng hơn 30% so với vụ nhãn năm trước. Theo đánh giá, việc tiêu thụ nhãn năm nay có nhiều thuận lợi do diện tích trồng theo tiêu chuẩn VietGAP lớn, những giống nhãn ngon như: nhãn cùi, nhãn đường phèn… được trồng ngày càng nhiều nên các doanh nghiệp, tư thương đến đặt hàng mua. Hơn nữa, việc bán hàng trực tuyến và trên sàn giao dịch điện tử… cũng đang được bà con nông dân quan tâm thực hiện nên giảm áp lực đầu ra hơn rất nhiều so với những niên vụ trước.
Huyện Sông Mã là địa phương có diện tích trồng nhãn nhiều nhất tỉnh Sơn La với gần 7.500ha, trong đó có 6.000ha đang cho quả, dự kiến sản lượng vụ này khoảng 60.000 tấn. Để bảo đảm quả nhãn tươi được tiêu thụ tốt, huyện đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hướng dẫn các hợp tác xã xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ. Chủ tịch UBND huyện Sông Mã Lò Văn Sinh cho biết: “Cây nhãn đang từng bước khẳng định được vị thế là cây trồng chủ lực trên địa bàn.
Từ trồng nhãn, nhiều gia đình có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, cá biệt có những hộ thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Toàn huyện có 46 mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu với diện tích hơn 570ha, trong đó 9 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, 21 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, 16 mã vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand. Vừa qua, huyện tổ chức Ngày hội nhãn Sông Mã để quảng bá thương hiệu “Nhãn Sông Mã” đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Tại ngày hội, huyện tổ chức xuất khẩu 20 tấn quả nhãn tươi sang thị trường EU, Vương quốc Anh và 8 tấn long nhãn sang thị trường Trung Quốc.
Các nhà vườn tỉnh Hưng Yên được mùa nhãn vụ 2022. |
Đến thời điểm này, huyện đã tiêu thụ được gần 25.000 tấn quả nhãn tươi và hơn 10 tấn long nhãn, dự kiến năm nay sẽ tiêu thụ được hết các sản phẩm từ nhãn. Phấn khởi khi sản phẩm nhãn được lựa chọn để xuất khẩu đợt này, Giám đốc Hợp tác xã Hoa Mười (xã Chiềng Khoong, huyện Sông Mã) Lường Văn Mười chia sẻ: “Hợp tác xã có 14 thành viên với diện tích trồng là 30ha nhãn, trong đó 20ha nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP. Năm nay, ngoài diện tích nhãn của các thành viên, hợp tác xã còn liên kết bao tiêu sản phẩm cho người trồng ở một số nơi trên địa bàn huyện với diện tích 60ha. Hướng tới mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá trị quả nhãn, hợp tác xã đang phối hợp các cơ quan chuyên môn của huyện hoàn thiện thủ tục, cấp 5 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, EU với diện tích 90ha, sản lượng dự kiến 370 tấn”.
Đa dạng kênh tiêu thụ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh hiện có hơn 5.000ha trồng nhãn, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 4.800ha. Năm nay, do thời tiết thuận lợi, nông dân đầu tư chăm sóc tốt nên nhãn được mùa, sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Trong đó, diện tích nhãn chín sớm chiếm khoảng 5%, nhãn chính vụ khoảng 85%, còn lại là trà nhãn chín muộn. Diện tích nhãn được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP là 1.200ha, chiếm khoảng 25% tổng diện tích.
Nhằm bảo đảm tiêu thụ tốt quả nhãn tươi trong niên vụ này, tỉnh Hưng Yên sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ nhãn và nông sản tỉnh Hưng Yên năm 2022 bằng hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến tại nhiều điểm cầu ở các địa phương trong nước và tại các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia…
Đồng thời, tỉnh cũng quan tâm, hỗ trợ việc mời gọi, kết nối các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chợ đầu mối tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại để tìm hiểu, ký kết tiêu thụ nhãn; hỗ trợ đưa quả nhãn lên các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số hóa; tích cực tham gia, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong cả nước; tư vấn, hỗ trợ đóng gói, vận chuyển đưa quả nhãn Hưng Yên đến với người tiêu dùng trong cả nước; phối hợp các cơ quan tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài lựa chọn, tham gia một số sự kiện xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản quốc tế để kết nối, tìm kiếm thị trường mới, nhất là các quốc gia trong khối ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Australia…
Sơn La là tỉnh có diện tích trồng nhãn lớn nhất vùng Tây Bắc với hơn 20.000ha và sản lượng ước đạt hơn 100.000 tấn. Để giúp người trồng nhãn tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, tránh gặp khó khăn như các năm trước thì trước khi vào vụ thu hoạch, tỉnh Sơn La đã đưa ra các giải pháp cụ thể cũng như chủ động kết nối tiêu thụ nhãn tại các địa bàn.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan khảo sát địa điểm và làm việc với cơ quan liên quan tổ chức Tuần lễ Thương mại, du lịch và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại thành phố Đà Nẵng năm 2022; ký kết tiêu thụ với các công ty, doanh nghiệp… Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan hỗ trợ các hợp tác xã và nhà vườn thông tin về thị trường, giá các sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm nhãn quả tại thị trường trong và ngoài nước; tập trung giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhãn tại khu vực miền trung, miền nam; mở rộng liên kết các doanh nghiệp thu mua, gửi sản phẩm chào hàng sang thị trường Cộng hòa Séc, Đông Âu.
Trong đó, tỉnh đã tập trung rà soát, chuẩn bị tốt các điều kiện, nâng cao năng lực thu hái, bảo quản, đóng gói sản phẩm nhãn quả tươi và long nhãn phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU, Vương quốc Anh và Trung Quốc. Tỉnh Sơn La cũng đã có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã thiết kế bổ sung mẫu mã, bao bì phù hợp với từng thị trường để quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước, phấn đấu tiêu thụ hết sản lượng nhãn năm 2022 bảo đảm yêu cầu “được mùa, được giá, được thu nhập” cho các hợp tác xã và hộ dân sản xuất nhãn.
Huyện Yên Châu (Sơn La) với diện tích 2.760ha nhãn, sản lượng vụ này dự kiến đạt khoảng 11.470 tấn. Năm nay, huyện dự kiến xuất khẩu 490 tấn nhãn, trong đó 450 tấn nhãn tươi, 40 tấn long nhãn sang thị trường các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu Vì Văn Ngọc cho biết: Từ tháng 5 đến nay, huyện đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh tham gia giới thiệu sản phẩm nhãn trong và ngoài tỉnh. Thông qua các chương trình xúc tiến, đã tiêu thụ hơn 10 tấn nhãn. Ngoài ra, để triển khai tiêu thụ được sản lượng nhãn kịp thời cho các tiểu thương, cũng như các hộ nông dân thì huyện cũng có chương trình liên kết, tiêu thụ, khâu nối các thương lái để đến tận vườn thu mua.
Hiện đã có 8 hợp tác xã trồng nhãn trên địa bàn liên kết các thương lái ở chợ đầu mối tại các địa phương như: Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Định, Long An, Nghệ An và phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Bưu điện tỉnh thực hiện chương trình livestream, quảng bá, đưa lên sàn điện tử và tiêu thụ sản phẩm nhãn cho người dân. Huyện cũng đã hỗ trợ đầu tư cho các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm nhãn và nông sản khác.
Đến nay, đã rà soát, hỗ trợ 16 hợp tác xã, hộ gia đình xây dựng 16 lò sấy long nhãn để giảm áp lực tiêu thụ quả tươi. Giám đốc Hợp tác xã Tiến Đạt (xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu) Trần Văn Hồng chia sẻ: “Năm nay được sự hỗ trợ trong kết nối tiêu thụ nên sản phẩm nhãn của hợp tác xã và người dân không phải lo về đầu ra như các năm trước. Hiện tại hợp tác xã có 8 thành viên trồng 25ha nhãn, trong đó 100% diện tích được trồng theo quy trình VietGAP”.
Ý kiến ()