Đa dạng hoạt động phòng, chống AIDS, ma túy trong trường học
– Năm 2021, Lạng Sơn là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc phối hợp với Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng, chống ma túy PSD (Viện PSD) trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam thực hiện các hoạt động phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Trong đó, trọng tâm là công tác phòng, chống AIDS, ma túy trong trường học. Thời gian qua, hàng loạt các hoạt động phòng, chống AIDS, ma túy đã được ngành giáo dục triển khai thiết thực, hiệu quả tại các trường học trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nhiệm vụ do Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021 (tháng 6/2021), trong đó, Viện PSD sẽ phối hợp với các tỉnh thực hiện nhiệm vụ. Ngay sau khi nhận được kế hoạch, tháng 7/2021, Sở GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 168/KH-UBND về phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS, ma túy (PCMT), mại dâm, tệ nạn xã hội.
Học sinh huyện Lộc Bình quan sát thực tế các mẫu vật có chứa chất ma túy
Theo đó, 5 nhiệm vụ tổ chức trong trường học bao gồm: khảo sát, đánh giá thực trạng công tác PCMT trong trường học; tập huấn công tác PCMT, mại dâm, tệ nạn xã hội; thí điểm xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể cho học sinh; triển khai sách “Kỹ năng PCMT”; xã hội hóa các chương trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao kiến thức, kỹ năng PCMT.
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện theo các kế hoạch cấp trên giao, tháng 10/2021, chúng tôi đã ban hành kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến công tác PCMT trong trường học. Đồng thời, gấp rút phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố. Năm nay, với sự hỗ trợ của Viện PSD, công tác PCMT trong trường học được triển khai đồng bộ, đa dạng nhiều hoạt động mới lạ, trực quan sinh động và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía cán bộ, giáo viên (CB,GV) và học sinh.
Thực hiện kế hoạch, từ ngày 2 đến ngày 4/11, Sở GD&ĐT tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác PCMT, mại dâm, tệ nạn xã hội cho gần 900 CB,GV, cán bộ đoàn, đội. Qua đó, các CB,GV được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng về ma túy, nắm bắt tâm lý người nghiện ma túy… để từ đó định hướng, xây dựng phương pháp phù hợp trong PCMT tại trường học. Tiếp đó, từ ngày 8/11 đến ngày 26/11, Sở GD&ĐT đã phối hợp với đoàn công tác của Viện PSD thực hiện chuỗi chương trình tuyên truyền, khảo sát, xét nghiệm ma túy… tại 11 trường học ở 11 huyện, thành phố. Chuỗi chương trình thu hút sự tham gia của trên 6.000 học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Ông Hoàng Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Tràng Định cho biết: Hằng năm, chúng tôi phối hợp với Huyện đoàn, Công an huyện tổ chức tuyên truyền và thực hiện các hoạt động ngoại khóa về PCMT. Ngày 9/11, khi chương trình tuyên truyền do Sở GD&ĐT phối hợp với Viện PSD tổ chức tại trường, lần đầu tiên CB, GV và học sinh được trực tiếp tương tác, giao lưu, chia sẻ và trải nghiệm nhiều hoạt động trong chương trình. Nhờ đó, chúng tôi thấy kiến thức về PCMT của học sinh nâng lên rõ rệt.
Đặc biệt, trong các chương trình, học sinh được các chuyên viên tư vấn của Viện PSD – những “người trong cuộc” từng nghiện ma túy chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình, miêu tả chân thực về cảm giác khi sử dụng ma túy, ảnh hưởng của ma túy đến sức khỏe, cuộc sống và quá trình cai nghiện thành công nhằm cảnh báo, tác động vào nhận thức của học sinh.
Em Đinh Thành Nam, lớp 12A13, Trường THPT Lộc Bình cho biết: Chương trình tuyên truyền về PCMT tại trường ngày 8/11 vừa qua không chỉ có nhiều hoạt động mới lạ mà em còn được tận mắt quan sát, nhận biết các loại ma túy và bày tỏ suy nghĩ của bản thân qua các hoạt động, cuộc thi trắc nghiệm thú vị của chương trình. Sau cuộc tuyên truyền, chúng em có thêm kiến thức để bảo vệ bản thân và tuyên truyền về PCMT trong nhà trường và ngoài xã hội.
Ngoài ra, trong chương trình học sinh còn được giới thiệu bộ tài liệu “Kỹ năng PCMT” với tổng số 2.450 tài liệu được cung cấp cho giáo viên chủ nhiệm các lớp; gần 1.600 học sinh được tham gia cuộc khảo sát, đánh giá công tác PCMT trong trường học và trên 3.000 học sinh tham gia xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể (qua nước tiểu). Đến thời điểm này, cơ bản các nhiệm vụ đều đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Sở GD&ĐT và Viện PSD đang tiến hành tổng hợp kết quả để tổng kết đánh giá chương trình.
Việc phối hợp với Viện PSD triển khai các chương trình, hoạt động PCMT một cách đa dạng, thiết thực, toàn diện trong trường học thời gian qua đã có ý nghĩa, tác động to lớn đến nhận thức của CB,GV và học sinh. Đây cũng là cơ hội để Sở GD&ĐT đánh giá chất lượng, thực trạng công tác PCMT trong trường học, từ đó xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PCMT trong thời gian tới.
“Công tác phối hợp với tỉnh Lạng Sơn và cụ thể là Sở GD&ĐT tỉnh trong thực hiện triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT về PCMT thời gian qua được thực hiện hiệu quả theo đúng mục tiêu đề ra, là tiền đề để Viện tiếp tục phối hợp với các tỉnh trên địa bàn cả nước. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục xây dựng kế hoạch phối hợp chặt chẽ hơn nữa với tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt là Sở GD&ĐT trong đào tạo kiến thức, trang bị kỹ năng PCMT trong nhà trường; phối hợp phát hiện, tư vấn và can thiệp sớm những trường hợp học sinh có sử dụng chất gây nghiện, ma túy…” Thạc sỹ Vũ Thị Bền, Trưởng Phòng Nghiên cứu khoa học và Đào tạo, Viện PSD |
Ý kiến ()