Đa dạng hóa nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông
Việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông (HTGT) bên cạnh vốn đầu tư công. Để dự án xã hội hóa khả thi, bảo đảm phương án tài chính, cần đa dạng hóa nguồn vốn, trong đó có vốn tham gia của Nhà nước, nhà đầu tư, vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc thông qua hợp tác kinh doanh… Cơ chế, chính sách về khuyến khích đầu tư cũng cần tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để phát huy hiệu quả các nguồn lực.
Xây dựng mô hình huy động vốn trên cơ sở đối tác công – tư
Đầu tháng 12-2023, dự án cao tốc từ Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị đến Chi Lăng (Lạng Sơn) được UBND tỉnh Lạng Sơn phê duyệt, hình thức đầu tư theo đối tác công-tư (PPP), loại hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), tổng mức đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Dự án sẽ kết nối với đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã được phê duyệt trước đó, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải cho các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, vùng Đông Bắc cũng như cả nước, từng bước hoàn thiện quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc. Đáng chú ý, cả hai dự án cao tốc đoạn Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh đều được triển khai theo phương thức PPP, cho thấy dự án HTGT vẫn thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
Phương tiện lưu thông trên cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, một trong những dự án hạ tầng giao thông triển khai theo phương thức PPP. Ảnh: THANH XUÂN |
Nhắc đến dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: “Năm 2016, dự án được Chính phủ đưa vào Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với tổng mức đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do tổng vốn đầu tư dự án quá lớn so với khả năng của địa phương, đồng thời, khả năng thu hồi vốn chậm do lưu lượng vận tải dự kiến thấp nên mặc dù tỉnh đã nỗ lực triển khai nhưng trong suốt thời gian dài không thể tìm được nhà đầu tư”.
Để phương án tài chính của dự án Đồng Đăng-Trà Lĩnh bảo đảm khả thi, công việc đầu tiên là cần tối ưu hóa hướng tuyến, bằng cách điều chỉnh hướng và xây dựng các công trình hầm xuyên núi, cầu cạn vượt địa hình nhằm giảm chiều dài tuyến cao tốc, giảm chi phí đầu tư và kết nối với tuyến cao tốc Hà Nội-Lạng Sơn. Theo lãnh đạo tỉnh Cao Bằng, qua nghiên cứu và đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả, đến nay, tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh rút ngắn xuống còn 121km so với 144km theo quy hoạch (giảm 23km); tổng vốn đầu tư của dự án sẽ giảm còn hơn 23.000 tỷ đồng, tương đương giảm hơn 50% so với mức dự kiến ban đầu. Trong đó, giai đoạn 1 có chiều dài 93,35km, điểm đầu tại nút giao Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) và điểm cuối tại nút giao với Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), tổng mức đầu tư hơn 14.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được Quốc hội cho phép tăng tỷ lệ vốn tham gia của Nhà nước từ không quá 50% lên không quá 70%. Với nhiều giải pháp tháo gỡ, đến nay, dự án này đã lựa chọn được nhà đầu tư. Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư của dự án là Liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả-Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng ICV Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư HTGT Đèo Cả-Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 568.
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả, đại diện nhà đầu tư dự án, cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh là một trong những dự án thí điểm áp dụng các chính sách đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có Nghị định số 63/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do quy định về PPP chưa hoàn thiện, thủ tục bị kéo dài, nhưng tỉnh Cao Bằng và nhà đầu tư đã kiên trì bám sát, theo đuổi mục tiêu hoàn thành dự án. Tại dự án này, nhà đầu tư cũng giới thiệu phương thức thực hiện và huy động vốn theo mô hình 3P . Cụ thể, với mô hình 3P thông thường có vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu và vốn tín dụng. Với mô hình 3P , vốn ngân sách nhà nước có vốn của Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, ngoài vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn tín dụng, còn có vốn trái phiếu, vốn hợp tác đầu tư và nguồn vốn khác. Việc triển khai mô hình này nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, thêm nguồn lực để triển khai dự án thành công.
Thay đổi tư duy trong kêu gọi đầu tư hạ tầng giao thông
Vấn đề thu hút nguồn vốn xã hội hóa để tập trung cho phát triển hạ tầng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV mới đây, không ít đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn khi thu hút đầu tư vào dự án PPP của ngành giao thông vận tải (GTVT) còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn, bất cập. Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) cho rằng, ngoài hạn chế về xúc tiến đầu tư trong nước và quốc tế thì dự án PPP giao thông còn có rủi ro xảy ra đối với các tổ chức tín dụng bởi thời gian thu hồi vốn dài, thường từ 10 đến 20 năm, có thể 30 năm tùy theo dự án. Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang) lưu ý, nếu chỉ nâng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào các dự án PPP sẽ chưa bảo đảm sức hấp dẫn, mà một trong những việc cần tập trung làm là Nhà nước cần bảo đảm thực hiện các cam kết, nghĩa vụ của mình trong dự án PPP.
Liên quan đến các dự án PPP giao thông, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đánh giá, việc khó thu hút nhà đầu tư do lợi nhuận của dự án không cao nhưng nhiều rủi ro có thể xảy ra. Hiện nay, nhà đầu tư thu hồi vốn trên cơ sở lưu lượng xe, cả nước có hơn 5 triệu ô tô nhưng phân bố không đồng đều, chủ yếu ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố nên bất lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia các dự án PPP HTGT chưa hấp dẫn, tối đa Nhà nước hỗ trợ 50%, bao gồm cả giải phóng mặt bằng nên phần vốn nhà nước thực chất hỗ trợ cho doanh nghiệp không nhiều. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng chỉ rõ, cần nhìn nhận, điều chỉnh một số vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Trong đó có công tác giải phóng mặt bằng. Các dự án PPP ở một số nước thường tách phần giải phóng mặt bằng làm trước, khi doanh nghiệp tham gia chỉ tập trung vào triển khai dự án. Sắp tới, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ những cơ chế, chính sách điều chỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, không nên khống chế tỷ lệ vốn nhà nước tham gia vào dự án PPP, có thể lên đến 60-70%, còn đối với dự án có khả năng thu hồi vốn cao, Nhà nước chỉ tham gia 20-30%. Do vậy, cần có quy định rộng về tỷ lệ để lựa chọn. Cùng với đó, cần chủ động thay đổi tư duy khi mời gọi đầu tư kết cấu HTGT. Bộ GTVT đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, sẽ phối hợp với các địa phương để sớm tổ chức hội nghị xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào HTGT; đồng thời, đẩy mạnh thu hút nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua hình thức nhượng quyền thu phí bằng việc triển khai đấu giá quyền thu phí, từ đó, Nhà nước có thể rút vốn ra khỏi các dự án đã nhượng quyền để tiếp tục đầu tư kết cấu HTGT.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()