Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền pháp luật
(LSO) – Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn tỉnh thời gian qua có nhiều đổi mới phù hợp với xu thế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền.
Bằng việc trình chiếu những hình ảnh, video thực tế về phòng chống bạo lực gia đình, buổi tuyên truyền của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong tháng 6/2020 vừa qua đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với hội viên. Chị La Thị Kiên, thôn Hang Nà, xã Tú Xuyên, huyện Văn Quan cho biết: Tham gia hội nghị, chúng tôi được nghe cán bộ hội phụ nữ tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình, được xem hình ảnh, đoạn phim nói về nguyên nhân, hậu quả của bạo lực gia đình. Từ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn và được trang bị thêm kỹ năng, kiến thức trong việc phòng, chống bạo lực gia đình.
Cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh sử dụng máy chiếu trong tuyên truyền pháp luật cho hội viên
Không chỉ riêng hội phụ nữ, mà các cấp, ngành, đơn vị trong tỉnh đã và đang sử dụng máy chiếu trong PBGDPL. Thực tế cho thấy nếu tuyên truyền miệng kết hợp với hình ảnh trực quan, video sống động sẽ phát huy tối đa hiệu quả, tạo ấn tượng, giúp đối tượng được tuyên truyền hiểu rõ, nhớ lâu do vận dụng các kỹ năng nghe, nhìn, xem trong quá trình tiếp nhận thông tin.
Nhằm giảm chi phí, nguồn nhân lực trong quá trình tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới, nhiều cơ quan, đơn vị đã sử dụng trang thông tin điện tử (TTĐT), website chính thức của đơn vị để tuyên truyền đến đông đảo cán bộ và người dân. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 46 cổng TTĐT, website của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đang hoạt động. Tiêu biểu như: UBND thành phố Lạng Sơn xây dựng trang TTĐT thanhpho.langson.gov.vn thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật mới trong các mục “Dành cho công dân”, “Dành cho doanh nghiệp” để người dân và doanh nghiệp tiện tra cứu, theo dõi; Sở Tư pháp xây dựng trang TTĐT sotp.langson.gov.vn có mục thông tin chuyên ngành cập nhật đầy đủ các văn bản pháp luật về các lĩnh vực tư pháp… Việc sử dụng trang TTĐT không chỉ mang lại sự thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt chính sách, pháp luật mới mà còn giúp đội ngũ cán bộ làm công tác TTPBGDPL tiếp cận được nguồn tài liệu phong phú, đa dạng hơn.
Một trong những cách thức PBGDPL hiệu quả hiện nay phải kể đến đó là tuyên truyền qua mạng xã hội như: Facebook, Zalo. Cùng với sự phát triển số người dùng mạng xã hội, việc xây dựng, thành lập các trang mạng xã hội chính thống của tổ chức, đơn vị để đăng tải các văn bản pháp luật là việc làm phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, toàn tỉnh có 27 trang mạng xã hội của các cơ quan, đơn vị, UBND các huyện, thành phố đang hoạt động với hơn 36 nghìn thành viên, người theo dõi.
Anh Lương Đình Chung, Phó Bí thư Thành đoàn Lạng Sơn cho biết: Trung bình 1 tuần, chúng tôi đăng tải 15 đến 20 tin, bài trên tài khoản Facebook của Thành đoàn Lạng Sơn với nội dung các hoạt động của đoàn cơ sở, các văn bản pháp luật như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thanh niên… Qua đó, đoàn viên dễ dàng tiếp cận thông tin, đồng thời có thể bình luận, trao đổi, giải đáp các thắc mắc.
Ngoài ra, hiện nay, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến cũng thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên tham gia. Tiêu biểu như cuộc thi trực tuyến “Pháp luật học đường” trong các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Bộ Tư pháp tổ chức từ tháng 11/2019. Trong 6 vòng loại, Lạng Sơn có 1.499 lượt thí sinh tham gia, có 6 thí sinh lọt vào vòng chung kết tổ chức ngày 7/6/2020 vừa qua.
Là một trong những thí sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi, em Khuông Thị Thảo Vân, học sinh lớp 10C, Trường THPT Lộc Bình chia sẻ: Kết quả vòng chung kết em đạt 220/300 điểm. Em thấy cuộc thi này rất ý nghĩa, giúp em hiểu biết hơn về các quyền cơ bản của công dân, người chưa thành niên trong Hiến pháp, pháp luật, các hành vi bị nghiêm cấm, trách nhiệm pháp lý trong lĩnh vực hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình, phòng, chống tệ nạn xã hội…
Có thể nói, nhờ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, kịp thời đổi mới các hình thức tuyên truyền, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh đang dần nâng cao chất lượng, hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng PBGDPL và Theo dõi thi hành pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL; cải thiện điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật, giúp người dân sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật được số hóa, kết nối, chia sẻ thông tin trong PBGDPL bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Ý kiến ()