Đa dạng hóa hình thức dạy học
Năm học 2020 – 2021 là năm học đầu ngành giáo dục – đào tạo triển khai thực hiện đồng thời chương trình giáo dục phổ thông mới cho lớp 1 và chương trình giáo dục phổ thông hiện hành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 5 của giáo dục tiểu học.
Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 nhưng với việc đa dạng các hình thức tổ chức dạy học, giáo dục tiểu học đã khắc phục tác động của dịch Covid-19 bảo đảm chất lượng dạy học.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), năm học 2020 – 2021, cả nước có hơn 8,7 triệu học sinh tiểu học với hơn 14,7 nghìn cơ sở giáo dục tiểu học. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương phải cho học sinh tạm dừng đến trường để bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, phần lớn các trường đã triển khai dạy học trực tuyến như là giải pháp hữu hiệu nhằm giúp học sinh không “quên” kiến thức, duy trì nền nếp học tập theo phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Bộ GD và ĐT đã kịp thời ban hành thông tư quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến, tạo thuận lợi cho các địa phương, các trường triển khai. Việc dạy học trực tuyến đã giúp phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho học sinh, tạo điều kiện để các em được học ở mọi nơi, mọi lúc.
Cùng với giải pháp dạy học trực tuyến, giải pháp tổ chức dạy học trên truyền hình cũng được triển khai. Bộ GD và ĐT đã tổ chức triển khai bộ tài liệu hướng dẫn xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học trên truyền hình để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Bộ tài liệu gồm: Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, sử dụng phương pháp dạy học qua truyền hình cho giáo viên; video bài giảng quy trình và phương pháp, kỹ thuật cơ bản trong thực hiện dạy học qua truyền hình; video bài dạy minh họa… Trên cơ sở đó, các sở GD và ĐT đã tích cực phối hợp với đài truyền hình địa phương xây dựng kho bài giảng phù hợp với chương trình môn học.
Ngoài ra, Bộ GD và ĐT đã chủ trì thực hiện kế hoạch phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó tác động phức tạp của dịch Covid-19 xây dựng các chủ đề cho việc dạy môn Tiếng Việt lớp 1 trên truyền hình. Đáng chú ý, để đáp ứng yêu cầu đổi mới, nhiều cơ sở giáo dục đã triển khai các hoạt động tập thể, giáo dục ngoài giờ lên lớp, ngoại khóa theo hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm; tập trung vào rèn kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, làm quen với một số nghề truyền thống ở địa phương. Qua đó, từng bước đã tạo được sự chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục học sinh.
Với sự đa dạng các hình thức dạy học đã khắc phục được những tác động của dịch Covid-19 đến giáo dục tiểu học. Kết thúc năm học 2020-2021, các trường tiểu học đều hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học sinh đáp ứng chuẩn đầu ra theo quy định.
Trong đó, học sinh lớp 1 học chương trình mới đã mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2. Theo Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Nghệ An Đào Công Lợi, chất lượng học sinh lớp 1 của Nghệ An năm nay hơn hẳn các năm trước.
Ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số dù khó khăn nhưng tất cả học sinh lớp 1 đều đáp ứng chuẩn đầu ra của chương trình. Trong khi đó, đại diện lãnh đạo Sở GD và ĐT Hà Tĩnh cho rằng, dù gặp khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng ngành giáo dục đã đa dạng các giải pháp dạy học để vượt qua, nhất là với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1, tạo động lực để tiếp tục chuẩn bị và thực hiện tốt các lớp tiếp theo.
Theo Bộ trưởng GD và ĐT Nguyễn Kim Sơn, năm học mới 2021 – 2022 diễn ra trong bối cảnh dự báo diễn biến dịch bệnh khó lường. Vì vậy, cần ưu tiên mọi biện pháp để chuyển trạng thái, thích ứng và giảm các tổn thương, các tác động tiêu cực đến giáo dục. Giáo dục tiểu học sẽ phát huy hơn nữa sự chủ động, sáng tạo của địa phương, giáo viên. Trong đó, phát huy cao nhất lợi thế của giáo viên khi đang thích ứng nhanh với công nghệ và môi trường làm việc trực tuyến.
Đối với các địa phương triển khai kế hoạch dạy học linh hoạt, hiệu quả và phù hợp tình hình thực tiễn. Trong đó, tận dụng thời gian vàng để dạy trực tiếp nhưng linh hoạt trong quá trình thực hiện kế hoạch năm học, thực hiện chương trình và triển khai nội dung dạy học dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học.
Ý kiến ()