Đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng
Bồi dưỡng cán bộ giáo viên (CBGV) được ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) coi là việc làm thường xuyên, trong đó, vừa chú trọng bồi dưỡng tập trung, chuyên sâu, vừa coi trọng việc tự bồi dưỡng và “bồi dưỡng nội bộ”.
Giờ học tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Chi Lăng,
thành phố Lạng Sơn
Bồi dưỡng phù hợp với đối tượng
Năm học 2017 – 2018, trên cơ sở rà soát kỹ, đánh giá trung thực, khách quan, ngành GD&ĐT đã giao cho Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng sơn tổ chức các lớp bồi dưỡng cho đội ngũ CBGV từ cấp học mầm non đến cấp THCS. Trong năm 2017, với 22 chuyên đề, trong đó có 3 chuyên đề chung, 7 chuyên đề đối với giáo dục mầm non (GDMN), 5 chuyên đề cho cấp tiểu học và 7 chuyên đề cho cấp THCS, Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn đã tổ chức được tổng số 101 lớp với 8.068 CBGV.
Năm 2018, nhà trường tiếp tục công tác bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp đối với viên chức GD&ĐT. Trong đó, trên 500 người dự các lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp theo chương trình của Bộ GD&ĐT để được cấp chứng chỉ – điều kiện để được tham gia tuyển dụng hoặc xét nâng hạng cao hơn. Tận dụng mạng lưới công nghệ thông tin, phương pháp bồi dưỡng thông qua trực tuyến được áp dụng có hiệu quả cho 100% cán bộ quản lý các trường trung học về các vấn đề như: công tác hành chính, quản trị trong nhà trường, tổ chức cán bộ, xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường. Việc góp ý vào chương trình giáo dục mới, sách giáo khoa phổ thông mới đã trở thành đợt sinh hoạt chuyên môn sâu rộng trong toàn ngành. Qua đó, đội ngũ CBGV hình dung ra được việc thực hiện chương trình và nội dung đổi mới của sách giáo khoa mà họ sẽ là người trực tiếp thực hiện trong năm tới.
Đối với một số giáo viên bộ môn đặc thù, đặc biệt là giáo viên tiếng Anh, ngoài việc tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, hè năm 2017 và 2018, ngành còn phối hợp với Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức 2 lớp tập huấn về phương pháp cho 150 giáo viên cấp THCS và THPT; phối hợp với Đại học Hà Nội và Đại học Sư phạm Hà Nội bồi dưỡng cho 150 giáo viên về năng lực ngoại ngữ…
Bên cạnh công tác bồi dưỡng, phong trào thi đua “Giáo viên giúp đỡ đồng nghiệp phát triển” là một hình thức “bồi dưỡng nội bộ” có hiệu quả để đội ngũ vững mạnh về mọi mặt. Trong năm học 2017 – 2018, cấp trung học đã có 3.535 giáo viên nhận giúp đỡ 3.521 giáo viên; kết quả đã có 1.766 giáo viên tiến bộ về chuyên môn, số còn lại tiến bộ về các mặt về công tác chủ nhiệm và các mặt khác.
Chất lượng được nâng lên
Trong năm học 2017 – 2018, toàn ngành có 16.048 CBGV tham gia đánh giá về bồi dưỡng thường xuyên, trong đó 10,3% xếp loại giỏi, 83% xếp loại khá, 6,7% xếp loại trung bình. 13.041 CBGV được bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp, trong đó, xếp hạng II 2.688 người, hạng III 5.410 người, hạng IV 4.943 người. Sau bồi dưỡng, ngành đã xếp loại giáo viên tất cả các cấp. Kết quả, giáo viên cấp mầm non đạt 99,8% từ trung bình trở lên, trong đó, có 22,8% đạt xuất sắc; giáo viên cấp tiểu học 100% đạt trung bình trở lên, có 28,2% đạt xuất sắc; cấp THCS 100% đạt trung bình trở lên, có 18% xuất sắc; cấp THPT 100% đạt trung bình trở lên, trong đó, 44% đạt xuất sắc. Đến tháng 6/2018, số giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn trình độ theo chuẩn khung năng lực 6 bậc của Bộ GD&ĐT đã đạt 46,56%, tăng 1,84% so với cùng kỳ.
Kết quả khả quan ấy đã được chứng minh qua thực tiễn hoạt động, chất lượng giáo dục đại trà và chất lượng mũi nhọn được nâng lên. Các chủ đề trọng tâm như: “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” ở cấp học mầm non; mô hình VNEN, phương pháp “bàn tay nặn bột” tại các trường tiểu học được duy trì có hiệu quả; việc dạy và học tiếng Anh có nhiều tiến bộ, công tác nghiên cứu khoa học, ôn thi được thực hiện tốt.
Xếp loại, đánh giá khách quan, công bằng để biết rõ thực chất, có kế hoạch cụ thể và thực hiện từng bước bồi dưỡng tổng thể, đa dạng hình thức bồi dưỡng là những giải pháp hiệu quả để nâng cao chất lượng đội ngũ – tiếp thêm “năng lượng” cho “đầu tàu” giáo dục để “kéo” chất lượng giáo dục đi lên trong thời kỳ đổi mới.
Ý kiến ()