Đa dạng hình thức xét tuyển, giảm áp lực cho thí sinh
Tính tới ngày 29-6, cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều sẵn sàng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 theo kế hoạch diễn ra vào ngày 7 và 8-7. Các thí sinh bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 không thể dự thi đợt 1 sẽ được dự thi đợt 2.
Thí sinh cả hai đợt thi đều được bảo đảm quyền lợi công bằng trong tổ chức thi tuyển và công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Sự vào cuộc tích cực của các địa phương, sự đa dạng trong phương thức tuyển sinh của các trường phần nào khiến thí sinh giảm bớt những căng thẳng, lo lắng khi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã tới gần.
Trách nhiệm kép
Theo kịch bản chi tiết tổ chức kỳ thi tại Bắc Giang, nơi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tính đến ngày 29-6, mới chỉ có 3.490 học sinh khối 12 của 26/58 đơn vị trở lại tham gia ôn tập tại lớp học. Các lớp ôn tập thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch (PCD); tổ chức học mỗi buổi không quá 3 tiết và không quá 25 học sinh/phòng học. Ông Bạch Đăng Khoa, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Bắc Giang cho biết: Năm nay, toàn tỉnh có 21.013 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó 6.260 thí sinh chỉ có nguyện vọng thi để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT. “Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến toàn tỉnh Bắc Giang, nhiều thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và trong khu vực cách ly, số lượng vẫn tiếp tục phát sinh, gây khó khăn trong công tác rà soát, phân loại thí sinh đủ điều kiện tham dự kỳ thi và điều động giáo viên coi thi. Sở sẽ cập nhật số liệu thí sinh tham gia kỳ thi đợt 1 và chốt vào ngày 5-7. Với quyết tâm cao nhất, địa phương đặt mục tiêu tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, thành công; đặc biệt bảo đảm công bằng, quyền lợi cho từng thí sinh”, ông Bạch Đăng Khoa nhấn mạnh.
Quận Ba Đình (TP Hà Nội) triển khai diễn tập Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. |
Đến ngày 28-6, Bắc Ninh đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho 3.502 cán bộ, giáo viên và thí sinh tham gia kỳ thi trên địa bàn TP Bắc Ninh. Dự kiến, đến ngày 4-7, các huyện, thị xã, thành phố sẽ triển khai xong kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm cho toàn bộ cán bộ, thí sinh tham gia kỳ thi. Toàn tỉnh Bắc Ninh có 2.401 thí sinh đang trong vùng cách ly theo Chỉ thị 16, hiện có 3 trường hợp F0, 5 F1 và 3 F2. Sau ngày 28-6, số ca F1, F2 sẽ hết nếu không phát sinh trường hợp F0.
Sự phức tạp do dịch bùng phát tại TP Hồ Chí Minh khiến ngày 28-6, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh phải tổ chức lấy ý kiến của phụ huynh học sinh về việc tổ chức kỳ thi. Dự kiến, kỳ thi tại TP Hồ Chí Minh vẫn diễn ra theo lịch của Bộ GD&ĐT. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: “Năm nay, thành phố có hơn 88.700 thí sinh đăng ký dự thi và hơn 12.400 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi tại 155 điểm thi. Những thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 và nằm trong khu vực phong tỏa sẽ tham gia thi đợt 2. Bên cạnh các phương án dự phòng, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đề xuất tổ chức triển khai xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh tham gia kỳ thi và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên coi thi, tham gia chấm thi, in sao đề thi, làm phách…
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho hay: “Nhà trường đã gửi ảnh chụp phiếu báo dự thi của học sinh lên các nhóm. Qua đó, phụ huynh và học sinh kiểm tra lại thông tin cá nhân, nắm rõ địa điểm, lịch thi và xác nhận với giáo viên chủ nhiệm trước khi in phiếu báo thi chính thức. Hiện học sinh khối 12 của trường đã nhận được phiếu báo dự thi qua đường bưu điện”.
Về những khó khăn liên quan tới chất lượng, theo nhận định của một số giáo viên khối 12 tại TP Hồ Chí Minh, năm nay, thách thức lớn đối với thí sinh là sự gián đoạn giữa học trực tuyến và trực tiếp, chất lượng học không đồng đều giữa các khu vực của thành phố, nhất là khu vực ngoại thành.
Ở địa phương được cho là thuận lợi hơn khi dịch bệnh được kiểm soát, ông Phùng Quốc Lập, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, tỉnh không có thí sinh thi đợt 2. Chính việc khống chế dịch bệnh tốt giúp các nhà trường tổ chức phân công giáo viên phụ đạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức ngoài giờ ôn tập chung cho những học sinh yếu kém có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp.
Có thể thấy, công tác bảo đảm an toàn thi và an toàn phòng dịch đang được các địa phương tích cực chuẩn bị với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kép. Tuy nhiên, qua kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vừa qua ở một số địa phương cho thấy còn một số vấn đề cần lưu ý trong công tác tổ chức thi. Đó là, quy định “5K” dù được thực hiện nghiêm tại khu vực phòng thi và trước buổi thi nhưng vẫn bộc lộ một số điểm gây mất an toàn phòng dịch sau mỗi buổi thi; việc phân luồng thí sinh ra về chưa thật sự khoa học, gây nên tình trạng lộn xộn trước cổng trường. Vừa qua, các địa phương đã áp dụng công nghệ làm thủ tục dự thi trực tuyến hiệu quả, nhưng cũng khiến một số thí sinh nhầm địa điểm thi do sự chuẩn bị không tốt. Ngoài các phương án phòng dịch, các địa phương cũng nên có những phương án cho tình huống diễn biến thời tiết bất thường, nhất là khi mùa mưa bão đã đến gần.
Đa dạng hình thức tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi thí sinh
Không như trước, các trường ĐH chỉ tập trung xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT, những năm gần đây, đặc biệt là kể từ khi giáo dục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hầu hết các trường ĐH đã linh hoạt, đa dạng hình thức tuyển sinh nhằm rộng cửa và giảm áp lực thi cử cho thí sinh. Theo đề án tuyển sinh của nhiều trường, việc xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ còn chiếm một nửa tổng chỉ tiêu.
Với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp thành hai đợt, theo GS, TS Trần Thị Vân Hoa, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Trường đã có phương án xét tuyển bảo đảm công bằng cho mọi thí sinh. Đối với thí sinh thi đợt 2, trường vẫn dành chỉ tiêu như năm ngoái. “Năm 2021, Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở rộng phạm vi và tăng chỉ tiêu với đối tượng xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, lên tới 50% tổng chỉ tiêu. So với năm trước, phương thức này bảo vệ và mở rộng quyền lợi, cơ hội vào trường cho thí sinh hơn. Năm nay, thay vì mang hồ sơ đến trường nộp, 100% thí sinh nộp hồ sơ online và nhận thông báo sau 5 ngày làm việc. Số nguyện vọng cũng tăng tối đa đến 54 nguyện vọng, gấp 18 lần năm ngoái. Nhằm bảo đảm tính chính xác, công bằng trong tuyển sinh, mọi chứng chỉ, giấy chứng nhận học sinh giỏi của thí sinh đều được khảo thí tận gốc nơi cấp”, GS, TS Trần Thị Vân Hoa thông tin.
Năm nay, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng bổ sung thêm phương thức đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức vào 3 phương thức xét tuyển trước đó. Việc dành chỉ tiêu cho thí sinh thi đợt 2 xét tuyển cũng bám sát tinh thần chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
PGS, TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Phát huy kinh nghiệm năm trước, Vụ Giáo dục đại học đã tham mưu với lãnh đạo bộ về phương án xét tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm bằng kết quả thi THPT trong một lần (đợi sau khi hoàn thành cả hai đợt thi tốt nghiệp THPT). Như vậy sẽ tạo sự công bằng cho thí sinh của cả hai đợt thi. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và cơ sở đào tạo, có thể sẽ xem xét cho phép các cơ sở đào tạo cân nhắc và quyết định chuyển một phần chỉ tiêu từ hình thức xét kết quả thi THPT sang xem xét kết quả học tập hoặc các phương thức khác, phù hợp với tình hình thực tiễn.
Theo ý kiến của của một số chuyên gia giáo dục, việc đưa ra nhiều phương án xét tuyển bắt kịp xu hướng của thế giới, giảm áp lực thi cử trong tình hình dịch. Tuy nhiên, các trường cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm công bằng cho thí sinh. Việc xét tuyển quá dễ cho những học sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS hay học bạ “đẹp” cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Các trường cần xem xét những yếu tố đi kèm để có cái nhìn tổng quát về học sinh hơn là chỉ nhìn vào những con số.
Ý kiến ()