Đa dạng hình thức truyền thông về công viên địa chất đến học sinh, sinh viên
– Giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong 8 nhiệm vụ trọng tâm mà UBND tỉnh đã đề ra trong kế hoạch xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn năm 2022. Để triển khai hiệu quả, thời gian qua, các cấp, ngành liên quan của tỉnh đã tích cực, đặc biệt là tuyên truyền sâu rộng trong đối tượng học sinh, sinh viên.
Ngày 8/12/2021, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Quyết định số 2386/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025”. Theo đó, CVĐC Lạng Sơn thuộc phạm vi hành chính của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2. Để triển khai tốt các nhóm nhiệm vụ trong đề án, ngày 22/12/2021, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định 2483/QĐ-UBND về việc thành lập Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh. Ngay sau khi thành lập, ban đã xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các tầng lớp Nhân dân hiểu, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu về những giá trị di sản địa chất, di sản văn hóa và giá trị đa đạng sinh học.
Học sinh Trường Tiểu học xã Minh Khai, huyện Bình Gia giới thiệu các sản vật địa phương đến du khách
Bà Phạm Thị Hương, Phó Trưởng Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn cho biết: Nâng cao nhận thức cộng đồng là một trong những điều kiện thiết yếu để lập hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu Lạng Sơn. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về giá trị của di sản cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ được triển khai tới các đối tượng học sinh, sinh viên trong vùng CVĐC. Thế hệ trẻ Xứ Lạng nói chung và thế hệ trẻ vùng CVĐC nói riêng sẽ được học, tìm hiểu giá trị di sản về CVĐC Lạng Sơn, đây chính là cách tốt nhất thuyết phục cộng đồng bảo vệ phát huy giá trị CVĐC Lạng Sơn. Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, chúng tôi đã tham mưu Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch ký kết và thực hiện chương trình triển khai hoạt động tuyên truyền, giáo dục về CVĐC giai đoạn 2022 – 2025 với Sở GD&ĐT và UBND các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan.
Theo đó, từ đầu năm 2022, Ban quản lý CVĐC Lạng Sơn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố mở 2 lớp tập huấn về CVĐC Lạng Sơn cho gần 50 cán bộ là giáo viên các trường học nằm trong vùng công viên địa chất. Thực hiện công tác phối hợp, ngành GD&ĐT tỉnh đã chỉ đạo đơn vị trực thuộc, phối hợp với đơn vị liên quan để tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về giá trị của CVĐC Lạng Sơn. Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Từ đầu năm 2022, sở đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh về CVĐC Lạng Sơn. Các đơn vị, nhà trường tuyên truyền thông qua các buổi họp hội đồng, thông tin trên bảng tin, website; tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tại trường học, hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp; lồng ghép các nội dung giáo dục tuyên truyền vào chương trình giáo dục các cấp học, các môn học, bài học cụ thể nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên về vai trò, tầm quan trọng của việc thành lập, xây dựng và phát triển CVĐC Lạng Sơn.
Để triển khai, phòng GD&ĐT các huyện, thành phố đã tích cực chỉ đạo các nhà trường thực hiện công tác tuyên truyền. Đặc biệt là phòng GD&ĐT của 5 huyện trong vùng CVĐC đã phối hợp với Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn tổ chức 1 hội thảo trực tuyến dành cho lãnh đạo và chuyên viên phòng GD&ĐT, cán bộ quản lý và giáo viên của các trường học trong vùng CVĐC Lạng Sơn; tổ chức 6 hội thảo trực tuyến dành cho học sinh trên địa bàn 5 huyện trong vùng CVĐC. Qua đó, đã có 5 sáng kiến, dự án của giáo viên và 17 sáng kiến, dự án của học sinh đã được trình bày tại các hội thảo.
Ông Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Chi Lăng cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, Phòng GD&ĐT huyện đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Di sản địa chất, CVĐC Lạng Sơn trong các đơn vị trực thuộc, cụ thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện đã tổ chức được 104 buổi tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của CVĐC Lạng Sơn đến1.350 cán bộ quản lý, giáo viên và 7.690 lượt học sinh tham gia. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến bao gồm trực tiếp và trực tuyến hoặc thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, sân khấu hóa, vẽ tranh, thi hùng biện Tiếng Anh… được tổ chức thường xuyên đã tạo hứng thú học tập, khơi gợi khả năng sáng tạo và nâng cao trách nhiệm bảo vệ văn hóa truyền thống của học sinh.
Thực hiện chỉ đạo của ngành GD&ĐT, các trường học còn tổ chức trưng bày các pa-nô, áp phích tuyên truyền về CVĐC tại các thư viện và giao trách nhiệm phụ trách đến lãnh đạo đơn vị trong việc quản lý, khai thác sử dụng. Những thông tin, kiến thức về CVĐC đều được các trường tích hợp vào giảng dạy trong các bộ môn như: Lịch sử, Địa lý. Bên cạnh đó, với quan điểm lấy học sinh làm trung tâm, tận dụng khai thác nguồn học liệu tại chỗ là những di sản văn hóa xung quanh môi trường sống, gần gũi, dễ hiểu với học sinh, thời gian qua, các trường học trong vùng CVĐC đã tổ chức nhiều hoạt động bổ ích và ý nghĩa. Cụ thể như: tổ chức các cuộc thi kiến thức, các tiết học thực tế gắn với các hoạt động trải nghiệm của địa phương; bố trí lại khuôn viên nhà trường và thường dành góc thư viện xanh kết hợp trang trí tuyên truyền về CVĐC. Các hoạt động như vẽ tranh, diễn kịch, làm thơ… cũng thường xuyên được tổ chức, qua đó giúp các em thêm yêu, thêm hiểu về CVĐC.
Trong số các hình thức tuyên truyền đã được triển khai, năm 2022 đánh dấu nhiều cuộc thi, diễn đàn tuyên truyền về CVĐC đã được Ban Quản lý CVĐC Lạng Sơn tích cực phối hợp với ngành GD&ĐT tỉnh bằng việc tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền ý nghĩa, dành cho học sinh các trường trong vùng CVĐC. Điển hình như tổ chức Diễn đàn “5 việc em đang làm để bảo vệ Trái đất”; Cuộc thi “Em là hướng dẫn viên du lịch”; cuộc thi “Sáng kiến phát triển du lịch – giáo dục gắn với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dựa trên các thế mạnh tự nhiên, văn hoá tại các huyện trong vùng CVĐC tỉnh Lạng Sơn”; tổ chức giao lưu bằng Tiếng Anh nhân các ngày lễ lớn của tỉnh, đất nước… Đáng chú ý, tại vòng chung kết cuộc thi “Tìm hiểu về di sản địa chất, CVĐC Lạng Sơn” năm 2022, sự kiện đã thu hút 80 học sinh đến từ 19 trường thuộc 5 huyện trong vùng CVĐC. Các em đã được tham gia nhiều phần thi ấn tượng và hấp dẫn như: vẽ tranh, thuyết trình Tiếng Anh, diễn kịch, đọc thơ, hò, vè, trình diễn trang phục, di sản dân tộc, múa sư tử mèo, hát then đàn tính… nhằm giới thiệu về giá trị di sản vùng CVĐC.
Em Hoàng Hạ Vi, lớp 9A1, Trường THCS thị trấn Bắc Sơn – học sinh có phần thuyết trình ấn tượng về di sản CVĐC bằng Tiếng Anh cho biết: Tham dự cuộc thi “Tìm hiểu về di sản địa chất, CVĐC Lạng Sơn”, bằng vốn kiến thức và hiểu biết của mình, em đã trình bày về “con đường đi bộ giáo dục”, bằng Tiếng Anh. Đây là mô hình du lịch kết nối 5 địa điểm du lịch trong vùng, CVĐC trên địa bàn huyện. Thông qua đó, để cho không chỉ Nhân dân trên địa bàn mà các khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế biết đến các địa danh CVĐC, góp phần quảng bá, lan tỏa hình ảnh quê hương đến với đông đảo người dân 4 phương.
Bên cạnh đó, một số huyện trong vùng CVĐC cũng xây dựng gần 50 dự án, sáng kiến hiệu quả tuyên truyền về CVĐC Lạng Sơn. Tiêu biểu như: huyện Bình Gia xây dựng mô hình lớp học về nguồn, đây là những lớp học đặc biệt được tổ chức ngay tại di tích hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai; huyện Hữu Lũng triển khai cuộc thi tìm kiếm tài năng “Em là hướng dẫn viên du lịch” tại các trường tiểu học và THCS; huyện Bắc Sơn xây dựng chương trình con đường đi bộ giáo dục, đây là mô hình du lịch, trải nghiệm địa chất kết hợp nghiên cứu khoa học tới các điểm đến nổi bật của Bắc Sơn như: Đền thờ liệt sĩ Bắc Sơn; làng ngói âm dương; bảo tàng Khởi nghĩa Bắc Sơn… Các điểm được lựa chọn đưa vào khai thác phục vụ là những điểm di sản được đánh giá cao trong vùng CVĐC Lạng Sơn.
Có thể thấy, với đa dạng cách thức tuyên truyền hiệu quả thì thời gian qua, các giáo viên, học sinh đã được truyền thông và qua đó trở thành tuyên truyền viên tích cực để góp phần tuyên truyền CVĐC đến với mọi người. Đồng thời, tiếp tục nêu cao trách nhiệm trong việc chung tay gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên của quê hương. Qua đó, góp phần vào việc hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.
Phó Giáo Sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên, Viện nghiên Cứu Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Từ kết quả khảo sát thực trạng CVĐC Lạng Sơn cho thấy, vùng CVĐC Lạng Sơn vẫn còn bảo lưu đa dạng sinh học, phong tục tập quán và tín ngưỡng các tộc người Tày, Nùng, Dao, Kinh, Sán Chay… Điều đó đã làm nên những giá trị nổi bật của vùng CVĐC Lạng Sơn. Do đó, để công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di sản CVĐC Lạng Sơn, Ban Quản lý CVĐC tỉnh cần tăng cường truyền thông, thông tin về CVĐC đến người dân, khách du lịch; đặc biệt phối hợp với ngành giáo dục, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của CVĐC cho đối tượng học sinh, sinh viên toàn tỉnh, những người chủ tương lai của đất nước. Đồng thời, chú trọng biên soạn bộ tài liệu giáo dục địa phương, đưa nội dung giáo dục, nâng cao nhận thức về các giá trị vô giá của di sản và di sản văn hóa CVĐC Lạng Sơn vào chương trình học. Mục tiêu nhằm giúp hệ thống mạng lưới CVĐC Lạng Sơn phát triển mang tính bền vững.
TUYẾT MAI - HOÀNG TÙNG
Ý kiến ()