Đa dạng hình thức tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non dân tộc thiểu số
Nhận thức rõ việc trang bị tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng dân tộc thiểu số (DTTS) có vai trò quan trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, trong những năm qua, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp, tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, đưa chất lượng học tập của trẻ mầm non vùng DTTS ngày càng chuyển biến tích cực.
Xã biên giới Tùng Vài, huyện Quản Bạ (Hà Giang) là nơi có 100% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông. Cô giáo Ngô Vân Anh, Hiệu trưởng Trường mầm non Tùng Vài cho biết: Công tác tăng cường tiếng Việt là việc làm thường xuyên của nhà trường, nhưng từ khi thực hiện “Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh, tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” thì nhiệm vụ này được nâng cao, thực hiện hiệu quả hơn thông qua việc triển khai có kế hoạch, lộ trình, việc làm cụ thể cho từng năm học, từng giai đoạn. Tất cả giáo viên trong trường đều được tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng và sử dụng môi trường giáo dục tăng cường tiếng Việt cho trẻ. Qua đó, vận dụng hiệu quả vào hoạt động chăm sóc, giáo dục cho trẻ ở từng nhóm lớp.
Một trong những hoạt động quan trọng để giúp nhà trường thực hiện hiệu quả hơn là xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Mặc dù là trường mầm non thuộc xã vùng cao biên giới, nhưng tại các lớp học đều được trang trí đẹp, hấp dẫn, góc chơi phong phú, đa dạng với nhiều loại đồ chơi được các cô tự tạo từ những nguyên vật liệu tự nhiên và phế liệu mang mầu sắc địa phương. Đối với môi trường hoạt động ngoài trời, trong khuôn viên hơn 3.000 m 2, nhà trường đã phối hợp với cha mẹ học sinh quy hoạch và xây dựng vườn cổ tích, góc vận động, góc thư viện, gian trưng bày văn hóa truyền thống. Dưới nắng thu dịu nhẹ, cô giáo Nguyễn Thị Thắm, giáo viên nhà trường dẫn học sinh lớp 5 tuổi ra khu vườn cổ tích xanh mướt được trồng nhiều loài hoa, cây cảnh gần gũi với người dân vùng cao. Rồi học sinh lại được đến với góc “chợ quê”, nơi trưng bày nhiều mô hình hàng hóa được các cô sưu tầm, tự tạo từ những sản vật địa phương, vật dụng sinh hoạt hằng ngày.
Cô giáo Nguyễn Thị Thắm giới thiệu cho học sinh bằng tiếng Việt để trẻ đọc theo: Đây là bắp ngô, quả bí, quả đào; cây rau bắp cải… “Học sinh trong trường đều là con em đồng bào vùng cao, những mô hình rau, củ, quả, hàng hóa bày trong chợ quê của trường khá gần gũi trong cuộc sống hằng ngày. Nếu như ở nhà, trẻ chỉ biết tên những sản phẩm này bằng tiếng địa phương thì khi đến trường, trẻ được các cô giới thiệu tên bằng tiếng Việt. Thông qua những trải nghiệm thực tế sẽ giúp trẻ dễ tiếp cận, ghi nhớ lâu hơn” – cô Thắm chia sẻ. Các góc chơi trong nhà trường được xây dựng mang tính mở, tạo dựng được các tình huống thật để trẻ hoạt động, trải nghiệm, khám phá dưới nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện. Những đồ dùng, đồ chơi trong lớp cũng như ngoài trời được gắn tên tiếng Việt đã giúp trẻ tăng cường tối đa việc sử dụng tiếng Việt và chữ cái. Bên cạnh đó, việc phối hợp với cha mẹ học sinh nhằm tăng cường tiếng Việt cho trẻ cũng được nhà trường quan tâm.
Để phát huy những kết quả dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non DTTS, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) huyện Quản Bạ Ma Văn Thắng cho biết, cần mở rộng chính sách hỗ trợ cho trẻ học mầm non như hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ ăn trưa… Huyện sẽ tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ cho giáo viên dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ DTTS như cung cấp thêm tài liệu, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi nhằm tạo thuận lợi để trẻ tiếp cận tiếng Việt tốt nhất. Phó Giám đốc Sở GD và ĐT Hà Giang Phạm Hồng Thanh cho biết: Hằng năm, ngành giáo dục tỉnh Hà Giang đã xây dựng kế hoạch, triển khai tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực đến tất cả các cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non. Ngoài các hình thức bồi dưỡng cho giáo viên thông qua các lớp tập huấn, hội thi, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non có học sinh vùng DTTS tăng cường các hoạt động bồi dưỡng thông qua mô hình sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học theo hình thức liên tổ, cụm trường, liên huyện… Ngoài ra, khuyến khích giáo viên phát huy vai trò chủ động, sáng tạo trong hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Bên cạnh đó, huy động cán bộ hưu trí, đoàn thanh niên, hội khuyến học, bộ đội biên phòng tại địa phương tham gia hỗ trợ dạy tiếng dân tộc cho giáo viên.
Ý kiến ()