Đa dạng hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
– Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã chú trọng, triển khai hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Qua đó, giúp các doanh nghiệp phòng, chống rủi ro pháp lý, kinh doanh có hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Hiện toàn tỉnh có hơn 3.700 doanh nghiệp. Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngày 31/12/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2809/QĐ-UBND về việc phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 – 2025.
Đại diện cơ quan thuế giải đáp các kiến nghị của người nộp thuế tại hội nghị phổ biến chính sách thuế mới quý IV/2022. Ảnh: ĐÌNH QUYẾT
Để chương trình hiệu quả, lãnh đạo UBND tỉnh đã phân công trách nhiệm của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan trong việc triển khai thực hiện, trong đó, Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối.
Ông Vũ Quang Hưng, Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: Thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, sở đã triển khai các giải pháp cụ thể. Năm 2022, chúng tôi đã đăng ký 3 nhiệm vụ trọng tâm với UBND tỉnh, trong đó có 2/3 nhiệm vụ liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đó là: cải thiện và nâng cao chỉ số thành phần (trong bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) “Thiết chế pháp lý” nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật của doanh nghiệp, người đại diện pháp luật doanh nghiệp để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình; tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 2 nhiệm vụ này đều được đánh giá hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc. Ngày 7/7/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND quy định mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, hằng năm, Sở Tư pháp tập trung vào hoạt động cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Đơn cử trong năm 2022, sở đã tổ chức 3 hội nghị hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp với hơn 300 lượt người dự, cấp phát 1.400 cuốn cẩm nang pháp luật “Một số quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”; biên soạn cẩm nang pháp luật “Một số chính sách về hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn”. Ông Trần Minh Bách, Trưởng Phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Thương mại Đông Dương JSC (huyện Cao Lộc) cho biết: Hằng năm, chúng tôi được tham gia các hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, cấp phát tài liệu pháp luật… Qua đó, chúng tôi được nâng cao nhận thức, thực hiện kinh doanh đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Nổi bật là tháng 7/2022, Sở Tư pháp đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh mở chuyên mục: “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Chuyên mục tuyên truyền, cung cấp thông tin về các văn bản pháp luật của trung ương, tỉnh về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; các văn bản liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp nhận phản ánh những khó khăn của doanh nghiệp…
Các đại biểu dự hội nghị hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tháng 10/2022, do Sở Tư pháp tổ chức
Ngoài ra, công tác cung cấp thông tin, tư vấn, giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp cũng được các cơ quan, đơn vị duy trì thực hiện qua nhiều hình thức: văn bản, điện thoại, trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành…
Bà Phùng Thị Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Trong năm 2022, sở đã tổ chức 2 lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp với hơn 200 lượt doanh nghiệp tham dự. Chúng tôi duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của sở, tư vấn, hỗ trợ trả lời nhanh chóng các câu hỏi, vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm. Trong năm, chúng tôi cũng tham mưu UBND tỉnh tổ chức 4 hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với doanh nghiệp, hợp tác tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn các huyện, thành phố; phối hợp cùng UBND huyện Văn Lãng tổ chức hội nghị gặp mặt các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh với hơn 400 lượt doanh nghiệp tham dự và hơn 70 kiến nghị được trả lời tại các hội nghị…
Bằng hình thức đa dạng, chất lượng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp ngày càng được nâng lên, chủ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật. Qua đó, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho việc thành lập, phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh. Trung bình mỗi năm, tổng thu ngân sách từ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được hơn 700 tỷ đồng (chiếm hơn 20% tổng thu nội địa của tỉnh). Tính từ đầu năm 2022 đến trung tuần tháng 11/2022, toàn tỉnh có 427 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 85,4% kế hoạch, tương đương cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ 2021.
Ông Lại Quốc Toản, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh
Hiện nay, hiệp hội có 9 hội và chi hội, 2 câu lạc bộ trực thuộc với hơn 600 doanh nghiệp hội viên. Thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Hằng năm, chúng tôi đã được tham gia các hội nghị tập huấn và phối hợp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, hội thảo về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Qua đó, đã góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt các quy định mới, thực hiện sản xuất kinh doanh tuân thủ các quy định của pháp luật. Hiệp hội cũng thường xuyên tuyên truyền pháp luật bằng nhiều hình thức như: hội nghị, mạng xã hội Zalo… về các chủ trương của Đảng, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của trung ương, tỉnh cho các doanh nghiệp thành viên. Thời gian tới, chúng tôi mong muốn công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng đi vào chiều sâu, trực tiếp hỗ trợ những vướng mắc, khó khăn về pháp luật, bám sát quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp.
Ý kiến ()