Đa dạng hình thức hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
(LSO) – Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các cấp, ngành đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nghèo, người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức. Qua đó, giúp người nghèo, người DTTS cải thiện cuộc sống, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, thoát nghèo bền vững.
Theo số liệu thống kê, đầu năm 2020, toàn tỉnh có 27.040 hộ nghèo, trong đó có trên 94% hộ nghèo là người DTTS. Thực hiện những chính sách hỗ trợ người nghèo, người DTTS (Chương trình 135, Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008), Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; HĐND tỉnh ban hành một số chính sách để hỗ trợ đồng bào DTTS và miền núi phát triển sản xuất như: Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐND (ban hành 20/7/2018) quy định một số mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo… UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Người dân tộc thiểu số xã Lộc Yên, huyện Cao Lộc nhận hỗ trợ phân bón từ Chương trình 135
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện công tác dân tộc gắn với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hằng năm. Đồng thời, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách, quy định của Trung ương và địa phương về công tác dân tộc đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Thông qua tuyên truyền, nhiều chính sách dân tộc đã được triển khai, thực hiện đúng, đủ đến các đối tượng được thụ hưởng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định đời sống, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc đối với Đảng và Nhà nước. Trong đó tiêu biểu là các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo…
Bà Nông Bích Vân, Phó Trưởng Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội và Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết: Đầu năm 2020, huyện Lộc Bình có 3.043 hộ nghèo, trong đó người DTTS chiếm 98%. Phòng đã tham mưu cho UBND huyện triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án về công tác dân tộc, giúp người nghèo, người DTTS phát triển kinh tế. Trong năm 2020, toàn huyện có 4.428 hộ DTTS, 647 hộ người DTTS ít người được hỗ trợ sản xuất, 68 hộ thụ hưởng dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo (1.042 kg thóc giống, 6.705 con gà giống và 9.900 kg thức ăn chăn nuôi, 314.140 kg phân bón, 67 con bò giống). Kết quả có hơn 506 hộ thoát nghèo, giảm 3,14 % so với năm 2019.
Năm 2020, từ Chương trình 135 về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, toàn tỉnh đã thực hiện 157 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế với hơn 5.500 hộ thụ hưởng, 24 dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo với 550 hộ thụ hưởng; Chương trình 30a về hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện nghèo, toàn tỉnh đã thực hiện 52 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 5.503 hộ tham gia; đào tạo tập huấn cho hơn 950 lượt người, hỗ trợ trên 2.043.000 cây giống các loại, 63.160 con gia cầm, 49.660 kg thức ăn chăn nuôi, 216.100 kg phân bón các loại, 6.720 liều thuốc thú y…
Cùng với đó, các hộ nghèo, người DTTS trên địa bàn còn được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề. Chị Linh Thị Tầm, xã Bình La, huyện Bình Gia cho biết: Năm 2017, tôi được cán bộ xã hướng dẫn làm thủ tục vay ngân hàng 50 triệu đồng mua 1 con trâu, 2 con bò giống về nuôi. Năm 2019, gia đình tôi thu được hơn 70 triệu đồng từ ruộng ngô và bán trâu bò, từ đó có vốn đầu tư chăn nuôi lợn, trồng keo, xây sửa lại nhà cửa và thoát nghèo.
Với những chính sách hỗ trợ thiết thực đó đã tạo cơ hội để người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của đồng bào DTTS tại địa phương. Kết quả, năm 2020, toàn tỉnh giảm 8.112 hộ nghèo, giảm 3% so với năm 2019.
Ông Lâm Văn Viên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/2/2020 của Chính phủ về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào DTTS về nghĩa vụ và quyền lợi công dân, ý thức chấp hành chính sách pháp luật, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững, xoá dần khoảng cách chênh lệch về đời sống vật chất, tinh thần giữa vùng đặc biệt khó khăn với các vùng khác trong tỉnh.
Năm 2020, toàn tỉnh có 2.167 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề với tổng số tiền hơn 4,9 tỷ đồng; 540 lượt hộ vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư sản xuất, chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả với tổng dư nợ hơn 31,8 tỷ đồng |
Ý kiến ()