Đa dạng hình thức dạy lịch sử nhằm tạo hứng thú cho học sinh THPT
– Để môn Lịch sử thu hút học sinh, thời gian qua, các trường học đã và đang triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học môn học này. Ngoài đổi mới nội dung bài giảng, nhiều năm qua, các trường còn tích cực lồng ghép các nội dung liên quan đến lịch sử trong nhiều bộ môn khác nhau, dưới nhiều hình thức tạo nên sự hứng thú và yêu thích môn học Lịch sử cho học sinh.
Trong đầu tháng 5/2022 vừa qua, Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc tổ chức ngoại khóa cho học sinh khối 9 và khối 10 tham quan, trải nghiệm các địa điểm liên quan đến lịch sử tại Hà Nội như: thăm Lăng Bác, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, làng gốm Bát Tràng… Đây là hoạt động thường niên được nhà trường tổ chức mỗi năm một lần nhằm giúp học sinh học lịch sử hứng thú và hiệu quả hơn.
Cô Nguyễn Tuyết Chinh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện nay, trường có 12 lớp với hơn 340 học sinh. Để học sinh yêu thích môn Lịch sử, Ban giám hiệu yêu cầu giáo viên bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch môn học, chuẩn bị kỹ lưỡng và phong phú nội dung bài giảng và đồ dùng dạy học; tích cực đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử thông qua những sự kiện, mẩu chuyện, hình ảnh minh họa, phim tư liệu lịch sử… Trong quá trình giảng dạy, các thầy cô còn tổ chức các trò chơi phù hợp như: nhận diện lịch sử, giải ô chữ, thuyết minh hình ảnh lịch sử, đố vui liên quan đến nhân vật lịch sử… qua đó, học sinh phát triển được nhiều kỹ năng như: thu thập và xử lý thông tin, thuyết trình, phản biện, công nghệ thông tin và tư duy thiết kế…
Không chỉ tại Trường Phổ thông dân tộc Nội trú THCS và THPT huyện Cao Lộc, thời gian qua, các trường có cấp THPT trên địa bàn tỉnh đều chủ động triển khai việc đổi mới hình thức dạy và học môn Lịch sử như: tổ chức thi tìm hiểu qua các tiết chào cờ, sinh hoạt, giáo dục ngoài giờ lên lớp; tham quan, trải nghiệm; tổ chức hoạt động ngoại khóa liên quan đến lịch sử…
Em Bùi Thị Vân Thủy, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Lương Văn Tri, huyện Văn Quan cho biết: Những năm học gần đây, với môn Lịch sử, chúng em thường xuyên được học lý thuyết gắn với tham gia trải nghiệm thực tế. Trong mỗi tiết học lịch sử, các thầy cô thường xuyên trình chiếu những hình ảnh, clip minh họa hoặc tổ chức một số trò chơi đố vui liên quan đến nội dung bài học… Nhờ đó, chúng em hứng thú và tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Nhờ sự nỗ lực đổi mới hình thức giảng dạy, đặc biệt là môn Lịch sử nên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tỷ lệ học sinh trong toàn tỉnh đỗ tốt nghiệp đạt 97,8%, cao hơn các năm trước (năm 2019 là 90,34%; năm 2020 là 97,2%). Trong đó, có 10 trường đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tăng 2 trường so với năm 2020. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh có nhiều trường có học sinh đạt điểm 10 các môn, trong đó có môn Lịch sử (5 học sinh).
Ông Đặng Hồng Cường, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Những năm qua, các trường có cấp THPT đều làm tốt công tác đổi mới hình thức giảng dạy cho học sinh, đặc biệt là môn Lịch sử. Năm 2021 là năm có nhiều học sinh đạt điểm 10 môn Lịch sử nhất trong kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Những kết quả trên là sự đánh giá khách quan thực chất nhất về công tác giảng dạy của các trường trên địa bàn tỉnh. Thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo, định hướng tốt hơn nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục môn Lịch sử đối với học sinh THPT.
Lịch sử là môn học có ý nghĩa quan trọng trong trường phổ thông nói chung, trường có cấp THPT nói riêng, bởi đó là bộ môn giáo dục thế hệ trẻ biết về cội nguồn dân tộc, các nhân vật, sự kiện diễn ra ở trong nước và quốc tế, giúp các em thêm tự hào về quê hương, đất nước. Vì thế, việc đa dạng hóa hình thức giảng dạy môn Lịch sử được ngành GD&ĐT tỉnh tiếp tục chú trọng triển khai trong thời gian tới.
THU HIỀN
Ý kiến ()