Đa dạng dòng, giống để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng
– Nếu như trước đây, nông dân trên địa bàn tỉnh chỉ canh tác giống na dai và na bở thì đến nay người nông dân ở huyện Chi Lăng và Hữu Lũng đã cho ra thị trường 6 giống na. Để đưa những dòng, giống na mới về với đồng đất Lạng Sơn, người nông dân các huyện và cơ quan chuyên môn đã chủ động tìm tòi, học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang đến người tiêu dùng những sản phẩm mới có chất lượng cao.
Nông dân xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng trồng thành công giống na sầu riêng
Tại Hội chợ na (mãng cầu) Chi Lăng và các sản phẩm nông sản kết hợp với hội chợ thương mại năm 2022 diễn ra vào tháng 9/2022, quả na nữ hoàng (1 trong 3 quả na đoạt giải nhất) đã được trả giá đến 20 triệu đồng. Đây là giống na có nguồn gốc từ tỉnh Đồng Nai mới được nông dân trên địa bàn huyện Chi Lăng đưa về trồng từ năm 2021 với diện tích 25 ha. Không riêng giống na này, thời gian gần đây, nông dân các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng đã trồng được nhiều giống na mới như: na Thái Lan, na Đài Loan, na nữ hoàng, na sầu riêng. Những giống na mới này có đặc điểm chung là có trọng lượng từ 500 gram đến 2.000 gram, cùi dày, ít hạt, hương vị từ ngọt nhẹ đến ngọt đậm. Những giống na này cùng với 2 giống na truyền thống của tỉnh là na dai và na bở đã đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng như: na bở, na sầu riêng phù hợp với người ưa thích vị ngọt đậm; na dai, na nữ hoàng phù hợp với người thích vị ngọt vừa; na Thái Lan, na Đài Loan phù hợp với người thích vị ngọt nhẹ.
Trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, cây na được trồng chủ yếu tại các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích l 4.800 ha, cho sản lượng trên 32.000 tấn quả/năm, doanh thu ước đạt trên 1.000 tỉ đồng/năm. Trong đó, từ năm 2017 đến nay, một số giống na mới có giá trị kinh tế cao được nông dân các huyện Chi Lăng, Hữu Lũng đưa vào sản xuất như: na Thái Lan khoảng 30 ha, na nữ hoàng khoảng 25 ha, na sầu riêng 5 ha, na Đài Loan 5 ha. Những giống na này đều được nông dân canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt GlobalGAP, VietGAP, sử dụng các loại phân chuồng hoai mục để bón lót, thường xuyên cắt tỉa cành lá, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh… Chính vì vậy, năng suất những vườn na này có thể đạt từ 4,5 tấn đến 10 tấn quả/ha/vụ. Hiện giá bán các loại quả này trên thị trường từ 80.000 đến 400.000 đồng/kg tùy theo kích thước, hình dáng quả.
Để đưa những giống na mới vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Nông dân huyện Chi Lăng, Hữu Lũng đã chủ động tiếp cận nguồn giống, nghiên cứu quy trình sản xuất giống, quy trình thâm canh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi có thông tin về những giống na mới, nông dân đã chủ động nghiên cứu về điều kiện canh tác, mức độ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu khu vực Lạng Sơn. Khi nhận thấy giống cây phù hợp, nông dân trực tiếp đến các trung tâm giống cây trồng hoặc nơi canh tác giống na mới để nghiên cứu, tìm hiểu và đưa về trồng. Trong quá trình sản xuất, người nông dân luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc giống na mới, về phương pháp canh tác, nhân giống, ghép cành, cây giống…
Ông Lê Xuân Bắc, thôn Bãi Danh, xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng cho biết: Quả na Thái Lan được gia đình tôi trồng từ năm 2015, đến nay, vườn na Thái Lan của gia đình có 700 gốc. Mỗi cây na Thái Lan có thể cho 20 quả, mỗi quả trọng lượng khoảng 0,7 kg, giá bán tại vườn khoảng 55.000 đồng/kg. Để trồng thành công giống na này tôi đã chủ động nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm từ những nông dân đã trồng thành công và tham khảo kiến thức khoa học từ các chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Cây na Thái Lan cần nhiều kỹ thuật chăm bón, lượng phân bón cũng cần gấp 2, 3 lần so với na dai truyền thống, tuy nhiên giá trị kinh tế cao hơn, đầu ra thuận lợi hơn.
Sau khi nông dân đưa những giống na mới về canh tác, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn các huyện đã chủ động vào cuộc. Theo đó, các phòng đã hướng dẫn nông dân canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP; chủ động rà soát nhu cầu của nông dân để tổ chức hội nghị tập huấn, các chuyến học hỏi kinh nghiệm sản xuất, cung cấp thông tin kịp thời về cây trồng giống mới để nông dân có thể áp dụng ngay vào sản xuất. Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng, Hữu Lũng còn phổ biến kỹ thuật canh tác rải vụ na cho nông dân, nhờ đó, quả na cho thu hoạch từ tháng 8 đến tháng 12 dương lịch. Điều này giúp nông dân nâng cao thu nhập và làm giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2022 đến nay, các huyện đã tổ chức hơn 300 buổi tập huấn về sản xuất nông nghiệp, trong đó có kỹ thuật canh tác na và các giống na mới với gần 20.000 lượt nông dân tham gia. Đến nay, tại 2 huyện đã có hơn 1.000 ha na được canh tác theo hướng thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalGAP, 100% giống na mới cũng đều được canh tác theo phương pháp này.
Ông Vi Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chi Lăng cho biết: Phòng đã chủ động nghiên cứu quy trình kỹ thuật chăm sóc các dòng, giống na mới, xây dựng tài liệu hướng dẫn và giới thiêu, chuyển giao cho nông dân. Đồng thời, tổ chức các đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại na trên diện rộng… nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho các loại na nói chung, các giống na mới nói riêng khi thu hoạch.
Việc canh tác thành công những giống na mới có năng suất, chất lượng cao trên đồng đất Lạng Sơn, nhất là sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt góp phần mang đến người tiêu dùng những sản phẩm mới lạ, độc đáo, chất lượng tốt. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế mới giúp người nông dân nâng cao thu nhập.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()