Đa dạng dịch vụ đưa đón khách sử dụng rượu, bia
LSO-Ngày 30/12/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Sau khi có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, nghị định được đa số người dân Lạng Sơn ủng hộ, hưởng ứng. Đặc biệt các nhà hàng, quán nhậu, dịch vụ vận tải … cũng nhanh chóng triển khai dịch vụ đưa đón khách sử dụng rượu bia đi – về an toàn.
Thực khách đã uống rượu, bia ở Sành Quán yên tâm giao chìa khóa
cho nhân viên nhà hàng đưa về để đảm bảo an toàn giao thông
Có mặt tại nhà hàng Sành Quán ở 129 Lý Thường Kiệt, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn vào một tối cuối tuần, chúng tôi chứng kiến nhiều vị khách sau khi sử dụng đồ uống có cồn đều chủ động tìm đến chủ nhà hàng, đề nghị nhân viên đưa về nhà để đảm bảo tuân thủ luật giao thông. Anh Nguyễn Quang Toản, trú phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, thực khách của quán chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ luật thắt chặt quy định xử phạt đối với lái xe sử dụng đồ uống có cồn, vì đây là một trong nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông. Hôm nay, tôi cùng gia đình và các bạn mình lựa chọn Sành Quán là nơi có dịch vụ đưa khách về sau khi sử dụng rượu, bia để ngồi với bạn bè được yên tâm hơn.”
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: một số nhà hàng, quán nhậu như: Sành Quán, Tửu Lầu … trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã bắt đầu áp dụng hình thức đưa đón khách sử dụng rượu bia về nhà; cho khách gửi xe qua đêm từ ngày 1/1/2020, tức là ngay sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ có hiệu lực. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho thấy ý thức chấp hành pháp luật của người dân rất tốt. Anh Tô Anh Tuấn, chủ nhà hàng Tửu Lầu, đường Ngô Quyền, thành phố Lạng Sơn cho biết: “Khi kinh doanh, chúng tôi rất quan tâm đến sự an toàn của thực khách lúc ra về. Ngay khi Nghị định 100 có hiệu lực, chúng tôi đã áp dụng hình thức đưa đón khách đi – về hoàn toàn miễn phí, được thực khách rất ủng hộ và tin tưởng sử dụng. Hiện tại, chúng tôi đã quảng bá dịch vụ trên fanpage của nhà hàng và dự định thiết kế một số banner riêng, để ở vị trí dễ nhìn để khách hàng biết và yên tâm khi chẳng may quá chén với bạn bè; đồng thời tuyển dụng thêm nhân viên biết lái xe ô-tô và phối hợp với các hãng taxi khi nhu cầu sử dụng dịch vụ tăng cao…”
Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Theo đó, quy định tăng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Cụ thể, nếu vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (mức cao nhất), người điều khiển xe ô tô sẽ bị phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô sẽ phải chịu mức xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng, bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ sẽ bị phạt từ 400 đến 600 ngàn đồng … |
Không chỉ các chủ nhà hàng ý thức được việc tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp, đơn vị cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải cũng ngay lập tức bắt tay triển khai dịch vụ này. Quan sát các nhà hàng, quán nhậu trên khu vực Phú Lộc IV, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi thấy sự xuất hiện của khá nhiều taxi và các tài xế tự do để sẵn sàng phục vụ ngay khi khách có nhu cầu. Anh Hoàng Văn Thoại, trú phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho hay: “Tôi thường cho xe di chuyển ở gần khu vực các nhà hàng từ khoảng từ 3 giờ chiều đến 10 giờ tối. Sau khi có Nghị định 100, khách thường chủ động gọi xe đưa – đón để đảm bảo an toàn và tránh bị phạt, nhờ đó, “cánh lái xe” chúng tôi kiếm thêm được từ 300.000 đến 400.000 đồng mỗi ngày. Các nhà hàng cũng chủ động phối hợp với chúng tôi để đưa – đón khách đi – về an toàn. Tùy khoảng cách mà chúng tôi thu phí khoảng 30.000 đến 70.000 đồng mỗi lượt. Khoản phí này thường do nhà hàng chịu để giữ khách chứ thực khách không phải bỏ thêm…”
Đã 2 tuần kể từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực. Việc làm của các nhà hàng, đơn vị vận tải trên địa bàn thành phố Lạng Sơn đã cho thấy sự chủ động, sáng tạo và ý thức nghiêm túc chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân. Những việc làm tích cực như vậy vừa giúp các nhà hàng vẫn “giữ chân” được thực khách đồng thời góp phần đảm bảo an toàn giao thông, nhất là khi dịp Tết Nguyên đán đang cận kề.
Ý kiến ()