Đã có hơn 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn
Theo thông tin vừa công bố từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ của chương trình tín dụng ưu đãi (dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác) đạt 113.921 tỷ đồng, gấp 6,2 lần so với dư nợ năm 2005, với hơn 8 triệu khách hàng đang có dư nợ.
Theo thông tin vừa công bố từ Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), tính đến 31/12/2012, tổng dư nợ của chương trình tín dụng ưu đãi (dành cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác) đạt 113.921 tỷ đồng, gấp 6,2 lần so với dư nợ năm 2005, với hơn 8 triệu khách hàng đang có dư nợ. Tính đến hết năm 2012 đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đây được coi là tín hiệu tích cực đóng góp vào thành tựu chung trong xóa đói giảm nghèo thời gian qua. Hiệu quả từ chương trình tín dụng dành cho người nghèo Theo Vụ tín dụng, dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tập trung vào một số chương trình tín dụng chính sách lớn như: Cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Riêng chương trình cho vay hộ cận nghèo mới được thực hiện từ 16/4/2013, đến 31/7/2013 dư nợ đã đạt 3.924 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ của NHCSXH. Qua 5 năm triển khai (2008-2012), Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam và NHCSXH đã thực hiện cho vay 62 huyện nghèo thuộc 21 tỉnh với doanh số lũy kế lên tới 4.640,9 tỷ đồng cho hơn 316 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, dư nợ tại thời điểm 31/12/2012 đạt 1.851,9 tỷ đồng, với hơn 84,8 nghìn khách hàng còn dư nợ. Ngoài ra, trong giai đoạn 2008-2012, ngành Ngân hàng đã thực hiện tài trợ hơn 4.800 tỷ đồng cho các chương trình an sinh xã hội trên cả nước, chủ yếu tập trung vào mục đích hỗ trợ hộ nghèo và các gia đình chính sách, về nhà ở (xóa hàng chục nghìn căn nhà tạm, dột nát), về giáo dục (xây dựng trường học tại các xã vùng cao), về y tế (tài trợ hàng chục xe cứu thương và xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện và các trạm y tế xã) và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng… Qua đó đã góp phần đáng kể, thiết thực giúp một bộ phận dân cư, cộng đồng trên toàn quốc, đặc biệt là huyện nghèo, vùng đặc biệt khó khăn, cải thiện được điều kiện sống, tăng thêm cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế. Tính đến hết năm 2012 đã có trên 21,4 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng ưu đãi, góp phần giúp trên 2,9 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 2,6 triệu hộ nghèo đã cải thiện được đời sống nhưng chưa thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động; hơn 3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 4,2 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; trên 88 nghìn ngôi nhà cho hộ gia đình vượt lũ vùng ĐBSCL; gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách; hơn 98 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài. Vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra… Vụ tín dụng cho biết, qua quá trình thực hiện thời gian qua cho thấy mặc dù tỷ lệ nghèo đã giảm nhanh, đặc biệt là tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn cao, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm gần 50% tổng số hộ nghèo của cả nước, thu nhập bình quân của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức thu nhập bình quân của cả nước. Hiện vẫn có nơi chưa rà soát, bổ sung kịp thời những hộ mới phát sinh nghèo, cận nghèo vào danh sách, làm ảnh hưởng tới việc hỗ trợ vốn kịp thời cho các đối tượng này. Nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương, nhiều hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo… Trong khi đó, nguồn vốn ưu đãi có hạn, vốn tín dụng ngân hàng vẫn chưa đáp ứng hết được nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Nhiều địa phương, nhiều hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo… Vì vậy, để có thể phát huy hiệu quả công cuộc xóa đói giảm nghèo, theo Vụ Tín dụng cần có sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trước hết là những cơ quan tổ chức, quản lý chịu trách nhiệm trong các chủ trương, chính sách đó. Do đó, cần phải nâng cao về nhận thức trách nhiệm từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cấp lãnh đạo đến quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, các chính sách giảm nghèo phải thường xuyên được tổ chức rà soát, đánh giá, mang tính hệ thống để người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận hiệu quả hơn. Chính sách giảm nghèo cần phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng địa bàn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên vốn cho vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Đặc biệt, cần thiết có cơ chế huy động nguồn lực hỗ trợ từ cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và chính bản thân hộ nghèo trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo, các chính sách và nguồn lực phải được công khai, minh bạch, hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả. Ngoài ra cần phát huy dân chủ, tạo cơ hội cho người nghèo tham gia đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch xóa đói giảm nghèo. Có các giải pháp về đầu ra sản phẩm trong sản xuất mà người nghèo làm ra. Chương trình xóa đói giảm nghèo phải sát thực với tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương, không nên áp một cách dàn trải, đồng nhất một cách cứng nhắc. |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()