Đã có đủ 9 loại vaccine tiêm chủng mở rộng sau nhiều tháng ‘khan hiếm’
Hiện, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã hoàn thành đặt hàng 10/10 loại vaccine sử dụng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Các vaccine này được đặt hàng từ các nhà sản xuất trong nước. Ngay đầu tháng 1/2024 này, Viện sẽ phân bổ và chuyển 9 loại vaccine đến các địa phương.
Cụ thể, Viện đã đặt hàng1.550.000 liều vaccine phòng lao (BCG), 1.000.000 liều vaccine viêm gan B, 4.980.000 liều vaccine bại liệt uống (OPV), 1.900.000 liều vaccine sởi, 1.700.000 liều vaccine sởi-rubella, 1.400.000 liều vaccine viêm não Nhật Bản, 1.531.000 liều vaccine phối hợp bạch hầu – ho gà – uốn ván (DPT), 1.472.240 liều vaccine uốn ván, 1.377.000 liều vaccine uốn ván – bạch hầu (Td).
Bộ Y tế cho biết, số lượng 9 loại vaccine này đủ để tiêm chủng bù mũi cho trẻ em chưa được tiêm trong năm 2023 và các trẻ đến lịch tiêm trong 6 tháng đầu năm 2024.
Riêng 549.164 liều vaccine Rota phòng bệnh tiêu chảy cấp, là vaccine mới, Viện sẽ đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi, dự kiến sẽ được triển khai từ quý II năm 2024.
Các loại vaccine trên sẽ được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận về kho vaccine Quốc gia, sau đó phân bổ và chuyển đến các địa phương ngay trong những ngày đầu tiên của tháng 1/2024.
Trước đó, các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur khu vực cũng đã hướng dẫn ngành y tế các tỉnh, thành phố thuộc khu vực sẵn sàng tiếp nhận, vận chuyển và bổ sung các loại vaccine đến các điểm tiêm chủng; đặc biệt lưu ý sớm cấp phát vaccine viêm gan B để kịp thời tiêm cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu sau sinh.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, việc cấp phát vaccine sẽ tăng cường thêm nhiều chuyến, nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêm chủng tại tất cả các trạm y tế xã, phường trên cả nước.
Thời gian tới, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur sẽ tích cực chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh, thành phố duy trì công tác tiêm chủng thường xuyên.
Đồng thời ngay trong quý 1/2024, các đơn vị cần tăng cường triển khai hoạt động tiêm bù mũi cho những trẻ chưa được tiêm chủng đầy đủ trong thời gian gián đoạn vaccine vừa qua, nhằm nâng cao miễn dịch cộng đồng cho trẻ em và phụ nữ, chủ động phòng chống bệnh truyền nhiễm trong mùa Đông – Xuân 2024.
Theo đó, các trạm y tế xã sẽ tăng số buổi tiêm chủng và tiếp tục duy trì 50 trẻ em trong một buổi tiêm, để tuân thủ đầy đủ quy trình an toàn trong tiêm chủng, đặc biệt là khám sàng lọc, tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ chăm sóc, theo dõi trẻ sau khi tiêm chủng.
Như vậy, sau một thời gian gián đoạn cung ứng một số loại vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2023, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ, đến nay Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã phê duyệt giá 10 loại vaccine sản xuất trong nước. Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã thực hiện ký hợp đồng đặt hàng 10 loại vaccine này.
Khi nào có đủ vaccine 5 trong 1?
Như vậy, chỉ còn vaccine 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng vẫn chưa thể triển khai mua và đặt hàng. Đây là vaccine phải nhập khẩu. Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thực hiện mua sắm theo hình thức đấu thầu rộng rãi theo quy định của Luật đấu thầu.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trong quá trình chờ hoàn tất các thủ tục mua sắm, Bộ Y tế đã chủ động tìm nguồn viện trợ, tài trợ vaccine từ các tổ chức quốc tế, trong nước cho Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Mới đây, cuối tháng 12/2023, Chính phủ Úc đã viện trợ cho Việt Nam 490.600 liều vaccine 5 trong 1. Số vaccine này hiện đã và đang được vận chuyển đến các địa phương để kịp thời tiêm cho trẻ. Số vaccine sẽ được ưu tiên sử dụng tiêm mũi 1 cho trẻ từ 2 đến 18 tháng tuổi, sau đó có thể sử dụng tiêm trả mũi 2, mũi 3 cho trẻ chưa được tiêm đủ 3 mũi.
Được biết, một trong những nguyên nhân gây tình trạng này là do khó khăn trong việc xây dựng giá của vaccine. Một nguyên nhân khác nữa là do vaccine 5 trong 1 nhập khẩu nên thời gian cung ứng phụ thuộc nhất định vào nhà sản xuất nước ngoài và đơn vị trúng thầu.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()