Cựu Tổng thống Obama kêu gọi siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ
Cựu Tổng thống Obama ủng hộ sửa đổi Luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, được ví như “lá chắn” bảo vệ các nền tảng mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về những nội dung mà người dùng chia sẻ.
Ngày 21/4, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã kêu gọi tăng cường siết chặt quản lý các công ty công nghệ, đồng thời hối thúc các công ty này cần có biện pháp ngăn chặn các nội dung hay thông tin gây chia rẽ xã hội được phát tán trên các nền tảng trực tuyến.
Phát biểu tại một sự kiện của Trung tâm Chính sách mạng Stanford, ông Obama cho rằng các nền tảng trực tuyến đều nhận thấy “nội dung phản cảm, phân cực” thường thu hút nhiều khán giả trực tuyến và chính những thiết kế của các nền tảng này đang hướng người dùng đi “sai đường.”
Ông ủng hộ việc sửa đổi Mục 230 trong Luật về Chuẩn mực Truyền thông của Mỹ, vốn được ví như “lá chắn” bảo vệ các nền tảng mạng xã hội như Twitter, Facebook, YouTube không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những nội dung mà người dùng chia sẻ.
Ông nêu rõ: “Những nền tảng lớn này cần phải chịu sự giám sát và quy định của công chúng ở một mức độ nào đó.”
Cũng theo ông Obama, một khung pháp lý được xây dựng với sự phối hợp của các công ty công nghệ, cộng đồng người dùng và các chuyên gia trong ngành sẽ cho phép các nền tảng hoạt động hiệu quả, cũng như giúp làm chậm sự lan truyền của nội dung có hại trên mạng Internet.
Các nền tảng công nghệ cần phải hiểu tầm ảnh hưởng của mình đối với cách thức mà người dân trên thế giới tiếp nhận và sử dụng thông tin. Những quyết định của các tập đoàn công nghệ có tác động đến mọi khía cạnh của xã hội.
Cựu Tổng thống Mỹ cũng cho rằng hoạt động của các công ty công nghệ cần phải minh bạch hơn.
Đặc biệt, các nền tảng trực tuyến nên làm rõ loại nội dung mà họ quảng bá, ít nhất là với các quản lý nếu lo ngại về nguy cơ rò rỉ bí mật phần mềm.
Ông nhấn mạnh đối với nhiều người, các nền tảng tìm kiếm và mạng xã hội không chỉ là “cánh cửa” để bước vào Internet, mà còn là nguồn cung cấp thông tin chủ yếu.
Do đó, Mỹ cần phải là “một ví dụ tốt hơn” trong việc kiểm soát hành vi lạm quyền của các tập đoàn công nghệ lớn, với sự hợp tác cùng các cơ quan quản lý ở những nơi khác như châu Âu.
Mục 230 được ban hành năm 1996 và là một phần của Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông. Kể từ khi được áp dụng, Mục 230 đã tạo cơ hội giúp truyền thông xã hội tăng trưởng mạnh bởi điều luật này cho phép các hãng công nghệ sở hữu mạng xã hội không phải chịu trách nhiệm về những bình luận, nhận xét mà người dùng đưa lên mạng.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phản đối Mục 230 này, cho rằng điều khoản này đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()