Cựu TNXP phát triển kinh tế
LSO- Dâng hiến cả tuổi thanh xuân cho đất nước, trở về cuộc sống đời thường, cựu thanh niên xung phong (TNXP) luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất, là những tấm gương sáng cho con cháu trong phát triển kinh tế.
Từ năm 2010 đến nay, toàn hội đã giúp 309 hộ hội viên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm xuống còn 5,2%. Đặc biệt, 74,5% số hộ có mức sống trên trung bình trở lên.
Ông Nguyễn Anh Nhưỡng, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh cho biết: phong trào thi đua phát triển kinh tế được triển khai mạnh mẽ tại các cấp hội, có những cựu TNXP năm nay đã 70, 80 tuổi vẫn chỉ đạo, hướng dẫn con cháu đầu tư, phát triển kinh tế, làm chủ mô hình. Hiện nay, toàn hội có 925/2.500 hội viên làm kinh tế giỏi với thu nhập từ 50 – 500 triệu đồng/năm.
Hội viên Hội Cựu TNXP thị trấn Cao Lộc phát triển kinh tế gia đình bằng nghề làm hàng mã. Ảnh: THÁI DƯƠNG
Để có những kết quả đó, các cấp hội trong tỉnh đã có cách làm phù hợp. Bà Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Cựu TNXP thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình chia sẻ: ở tuổi từ 60 đến hơn 80, việc lao động, sản xuất không phải là điều dễ dàng. Chính vì vậy, chúng tôi động viên cựu TNXP chọn những công việc vừa sức như kinh doanh dịch vụ, quản lý cửa hàng, hướng dẫn con cháu phát triển sản xuất từ những kinh nghiệm của bản thân…
Để có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, bản thân mỗi cựu TNXP đều ý thức và giáo dục con cháu tích cực sản xuất, chủ động tìm kiếm cơ hội phát triển kinh tế, không trông chờ vào sự giúp đỡ của Nhà nước. Ở mỗi khu vực, hội viên đều tìm cho mình hình thức sản xuất, kinh doanh phù hợp. Ở nông thôn, cựu TNXP áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa cây trồng, giống mới vào sản xuất. Khu vực thị trấn, thị tứ việc kinh doanh các dịch vụ giúp hội viên có thêm thu nhập.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng bà Hoàng Thị Đá, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia vẫn tham gia cùng con cháu mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trước đây, cả gia đình làm nông nghiệp, sau nhận thấy dịch vụ ăn uống ít người quan tâm, bà hướng dẫn con cháu kinh doanh dịch vụ này. Nhờ tập trung nâng cao chất lượng phục vụ nên cửa hàng ngày càng đông khách. Đến nay, cửa hàng tạo việc làm ổn định cho 3 lao động, thu nhập của gia đình tăng từ 200 triệu đồng lên 400 đến 500 triệu đồng/năm.
Trước đây, khi cựu TNXP còn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các chương trình, các hội viên đã chủ động hỗ trợ nhau bằng cách cho vay không tính lãi. Đã có trên 1,4 tỷ đồng tiền vốn từ những cựu TNXP kinh tế khá cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay. Đến nay, ngoài vay vốn thông qua các tổ chức hội, cách cho vay không tính lãi vẫn được hội viên nhân rộng.
Nhiều chi hội có sáng kiến tự xây dựng quỹ hỗ trợ hội viên nghèo sản xuất, kinh doanh bằng cách mỗi hội viên đóng góp 100 – 200 nghìn đồng cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn vay. Sau khi hộ vay trả đủ, số tiền tiếp tục được chuyển cho hộ khác mở rộng đầu tư. Số tiền được vay khoảng 1, 2 triệu đồng/hộ song có thể giúp họ mua con giống, phân bón…
Những nỗ lực của hội viên cựu TNXP trong phát triển kinh tế không chỉ giúp gia đình nâng cao thu nhập, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng mà hơn hết còn giáo dục trong các thế hệ con, cháu chủ động, tích cực trong lao động, sản xuất. Theo ông Nhưỡng, nhìn chung hội viên cựu TNXP đã được hưởng chế độ, chính sách của Nhà nước, tuy nhiên, đời sống của một số hội viên còn nhiều khó khăn. Thời gian tới, hội sẽ tiếp tục vận động trong hội cũng như các nguồn lực xã hội giúp hội viên vốn sản xuất, kinh doanh, xóa nhà dột nát… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho hội viên và gia đình.
HOÀNG VƯƠNG
Ý kiến ()