Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đã khắc phục tổng cộng 42 tỷ đồng
Bản luận tội của Viện Kiểm sát đã xác định bị cáo Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng bằng “thủ đoạn trắng trợn.”
Trong thời gian Hội đồng Xét xử phiên tòa “chuyến bay giải cứu” đang nghị án, ngày 24/7, gia đình bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nộp thêm 7 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, nâng tổng số tiền khắc phục của bị cáo Kiên lên 42 tỷ đồng trên tổng số hơn 42,6 tỷ đồng mà Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Kiên đã nhận hối lộ.
Biên lai xác nhận việc nộp 7 tỷ đồng này đã được nộp cho Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 24/7.
Trước đó, khi vụ án đang trong giai đoạn điều tra, bị cáo Phạm Trung Kiên đã chủ động trả lại các doanh nghiệp khoảng 12 tỷ đồng, sau đó gia đình bị cáo nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả.
Trong quá trình diễn ra phiên tòa, gia đình bị cáo đã nộp thêm 8 tỷ đồng và nay là 7 tỷ đồng, nâng số tiền khắc phục hậu quả lên tổng số 42 tỷ đồng.
Bản luận tội của Viện Kiểm sát đã xác định bị cáo Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án, với 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng bằng “thủ đoạn trắng trợn.” Do đó, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt bị cáo Kiên mức án tử hình.
Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá hành vi phạm tội của Phạm Trung Kiên trong thời điểm COVID-19 đã làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp, chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước trên các chuyến bay giải cứu, chuyến bay combo, làm mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín cơ quan nhà nước.
Trong phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã khẳng định hơn 42,6 tỷ đồng mà Kiên đã nhận hối lộ là số tiền lớn. Không thể so sánh một cách cơ học với hơn 30.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài, càng không thể so sánh với số tiền thu nhập của người dân ở nước ngoài để nói số tiền này chiếm tỷ lệ không lớn như lời biện hộ của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên.
Theo đại diện Viện Kiểm sát, quan điểm bào chữa của luật sư thể hiện sự thờ ơ, vô cảm trước những nỗi đau khổ, sự mất mát to lớn của đồng bào ta cũng như những người dân nghèo trên toàn thế giới ở trong đại dịch COVID-19.
Nói lời sau cùng tại tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên bày tỏ sự ăn năn hối hận về hành vi phạm tội và mong Hội đồng Xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, cho bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Hội đồng xét xử nghị án kéo dài và dự kiến tuyên án vào chiều 28/7./.
Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ. Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo. Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí “bôi trơn,” nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch. Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộtổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng. Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng. 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” 54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” – 23 bị cáo ; “Nhận hối lộ” – 21 bị cáo; “Môi giới hối lộ” – 4 bị cáo; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” – 1 bị cáo; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” – 4 bị cáo và 1 bị cáo với 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Đưa hối lộ.” * Đối với 21 bị cáo bị xét xử về tội “nhận hối lộ,” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt các mức án gồm: Tử hình:Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ QHQT-VPCP) * Đối với nhóm 23 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “đưa hối lộ,” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: 11-12 năm tù:Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 12-18 tháng tù(hưởng án treo): Đào Thị Chung Thúy (trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông-HN) * Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: 5-6 năm tù:Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) * Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “Môi giới hối lộ” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm: 6-7 năm tù:Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc CA TP Hà Nội) * Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án: 19-20 năm tùvới bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an. * Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” “ Đưa hối lộ” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án: 15-17 năm tùvới bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CPXD Thái Hòa) trong đó từ 14-15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và từ 1-2 năm tù về tội “Đưa hối lộ.” |
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()