Cựu thanh niên xung phong năng động phát triển kinh tế
– Vượt qua những khó khăn, bằng sự năng động và tư duy nhạy bén, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Văn Rần, sinh năm 1955, thôn Giáp Thượng, xã Y Tịch, huyện Chi Lăng đã phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Những ngày đầu tháng 5/2022, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng cây ăn quả của gia đình ông Nguyễn Văn Rần. Giữa khu vườn cây ăn quả xanh mướt là ngôi nhà của ông Rần. Pha ấm trà nóng mời khách, ông Rần kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng gian khổ ở chiến trường. Năm 1973, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường tham gia TNXP. Đến năm 1981, ông trở về quê hương phát triển kinh tế, xây dựng gia đình.
Ông Nguyễn Văn Rần chăm sóc vườn bưởi
Ông Rần chia sẻ: “Khi mới trở về quê hương, kinh tế gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn do chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, ngô. Không cam chịu nghèo khó, tôi luôn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Năm 2012, nhận thấy nhiều hộ trên địa bàn xã trồng na đem lại hiệu quả, gia đình tôi đã bàn bạc mua lại vườn na khoảng 1.000 cây của người dân trong thôn. Sau một thời gian chăm sóc, cây na bắt đầu cho thu hoạch và đem lại hiệu quả kinh tế nên hằng năm, gia đình tôi đều trồng thêm trên diện tích đất của gia đình. Đến nay, gia đình tôi đã có 3.000 cây đang cho thu hoạch. Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 200 triệu đồng từ cây na”.
Không dừng lại ở đó, trên những diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả, năm 2012, ông chuyển đổi 8 sào đất vườn sang trồng bưởi Diễn, bưởi lòng đào. Không chỉ tăng diện tích các loại cây ăn quả mà ông Rần còn chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng an toàn để tạo ra nông sản sạch. Từ năm 2020, gia đình ông lựa chọn 1.000 cây na để chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Với sự cần cù, chịu khó học hỏi của gia đình, nên mô hình trồng cây ăn quả phát triển tốt, hằng năm đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Rần cho biết thêm: “Tôi nhận thấy cây ăn quả có giá trị kinh tế cao hơn trồng lúa, ngô rất nhiều lần nên những năm qua, tôi đã chuyển toàn bộ diện tích đất vườn trồng ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đối với cây ăn quả, quan trọng nhất là phải chăm sóc thời điểm ra hoa, cung cấp đủ nước và độ ẩm cho cây để đảm bảo cây sai quả. Thời gian đầu mới thực hiện mô hình, tôi gặp một số khó khăn như thiếu kinh nghiệm canh tác; cây chết, cây không sai quả, mẫu mã quả không đạt yêu cầu… Tuy nhiên, nhờ tham gia các lớp tập huấn ở xã, tự học hỏi trên các phương tiện thông tin đại chúng và rút kinh nghiệm dần dần nên đến nay, tôi đã thành công với mô hình phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả”.
Ông Mai Việt Lào, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Ông Rần là tấm gương tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế ở xã. Không chỉ năng động, mạnh dạn phát triển kinh tế, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã, ông luôn gương mẫu, trách nhiệm trong công tác hội, nhiệt tình giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế.
Với những cố gắng, nỗ lực đó, đầu năm 2022, ông Rần vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021.
Ý kiến ()