Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi
– Đó là ông Hoàng Thế Phong (sinh năm 1956), thôn Còn Khoang – Pá Pài, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc. Mang bản chất của người lính cụ Hồ, ông đã năng động, nhạy bén xây dựng thành công mô hình kinh doanh và sửa chữa máy móc nông nghiệp cho thu nhập cao.
Ông Phong sinh ra và lớn lên tại thôn Tềnh Chè, xã Hồng Phong, huyện Cao Lộc. Năm 1972, ông lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, năm 1975, ông trở về quê hương và làm công nhân tại Công ty Cổ phần Cầu đường III Lạng Sơn (xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn). Đến năm 1990, ông nghỉ chế độ về quê sinh sống và tìm hướng phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Thế Phong xây dựng thành công mô hình kinh doanh, sửa chữa máy móc nông nghiệp
Ông Phong cho biết: Dụng cụ, máy móc là thứ không thể thiếu trong quá trình sản xuất nông nghiệp, bởi vậy, gia đình nào cũng cần, để sử dụng. Trong quá trình sử dụng, sẽ có những lúc máy móc, dụng cụ hỏng cần sửa chữa, thay thế phụ tùng. Với kinh nghiệm tích lũy trong 17 năm làm công nhân, cùng với sự tìm tòi, nghiên cứu cách sửa máy móc nông nghiệp, tôi đã quyết định mở cửa hàng nhỏ sửa chữa máy móc nông nghiệp.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết: trong 10 năm ông Phong làm dịch vụ sửa chữa dụng cụ, máy móc nông nghiệp, lượng khách đến sửa chữa ngày một nhiều. Cùng với đó, ông nhận thấy nhu cầu sử dụng máy móc phục vụ cho nông nghiệp của người dân trong xã, huyện nhiều hơn, trong khi đó, thị trường các loại máy nông nghiệp được bày bán còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bà con. Do vậy, vào năm 2010, ông đã bàn bạc với gia đình vay 60 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mở cửa hàng bán máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Mới đầu, do số vốn ít, ông chỉ đầu tư từ 10 đến 15 mặt hàng máy móc phục vụ cho nông nghiệp như: máy cày, máy bừa, máy gặt. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân ngày càng tăng, cùng đó, thị trường có nhiều mặt hàng nông cụ thông minh, tiện lợi, giảm được thời gian và sức lao động nên ông đã tìm hiểu và liên kết với một số công ty phân phối máy móc nông nghiệp tại Việt Nam để nhập hàng về bán. Do giá bán ổn định, hàng hóa đảm bảo chất lượng, khách hàng tìm đến cửa hàng của ông ngày càng nhiều hơn. Từ năm 2015 trở lại đây, cửa hàng của ông luôn có trên 150 mặt hàng máy móc nông nghiệp các loại phục vụ bà con. Trung bình mỗi năm, từ kinh doanh và sửa chữa máy móc nông nghiệp đã đem lại thu nhập cho gia đình ông trên 250 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Đặc biệt, trong hơn 2 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngoài bán hàng tại cửa hàng, ông đã nhạy bén kết hợp phương thức bán hàng trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Youtube, Zalo. Được biết, lượng hàng hóa bán ra qua phương thức trên chiếm khoảng 80%, 20% còn lại là bán tại cửa hàng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, thời gian qua, cửa hàng của ông Phong còn hỗ trợ các hộ dân khó khăn trong xã, huyện mua sản phẩm theo hình thức trả góp, đến cuối vụ, cuối năm mới cần thanh toán. Ngoài ra, cửa hàng còn tạo việc làm cho lao động tại địa phương. Anh Liễu Văn Bích, thôn Còn Khoang – Pá Pài cho biết: Tôi được học nghề sửa xe máy, tuy nhiên, do chưa có điều kiện kinh tế mở cửa hàng sửa chữa xe máy, tôi đã được ông Phong nhận làm nhân viên bán hàng và sửa chữa mặt hàng nông cụ ở ngay trong thôn. Làm việc tại đây, tôi được trả lương từ 6 đến 7 triệu đồng/tháng.
Đánh giá về ông Phong, ông Hoàng Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong cho biết: Ông Phong là một tấm gương sáng của xã đã năng động phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao. Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong của xã, thời gian qua, ông Phong luôn tuyên truyền các hội viên tham gia các phong trào của hội cũng như của địa phương. Cùng với đó, ông luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hội viên khác phát triển kinh tế.
Với những cố gắng nỗ lực đó, nhiều năm qua, ông Phong được nhận giấy khen của các cấp chính quyền từ xã đến huyện. Gần đây nhất, ông Phong được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm 2021.
Ý kiến ()