Cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi
(LSO) – Không cam chịu nghèo khó, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Thị Dung, thôn Khau Phụ, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia luôn nỗ lực vươn lên, năng động phát triển kinh tế gia đình, trở thành tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế của xã nhiều năm nay.
Bà Dung sinh năm 1954 tại thôn Khau Phụ, xã Tô Hiệu trong một gia đình nghèo có đông anh em. Học hết lớp 8 (năm 1972), theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cô gái trẻ viết đơn tình nguyện tham gia TNXP. Những ngày đầu, cô cùng đơn vị trực tiếp chuyển đá, lấp hố bom. Sau đó, đơn vị cho đi học kế toán 3 tháng tại Thái Nguyên. Học xong, cô được phân việc về đội TNXP 341 làm kế toán thống kê.
Năm 1974, hết nghĩa vụ trở về địa phương, bà Dung lập gia đình và chuyển về công tác tại trạm xá giao thông N57, được 6 năm, bà xin về công tác tại Hạt Giao thông Bình Gia.
Bà Nguyễn Thị Dung đóng gói chè khô cho khách
Bà Dung tâm sự: Năm 1987, nhận thấy công việc công nhân giao thông khó khăn, con cái còn nhỏ, vất vả quá tôi xin nghỉ việc về làm kinh tế gia đình. Từ khi nghỉ việc, tôi bắt tay vào chăn nuôi. Từ chăn nuôi, có chút vốn, tôi mua thêm vườn đồi để có đất canh tác, mở rộng diện tích làm kinh tế.
Tại thôn Khau Phụ, người dân vốn có truyền thống trồng cây chè dưới tán hồi. Vì vậy, từ khi mua vườn đồi, ngày ngày vợ chồng bà Dung chăm sóc vườn cây sẵn có. Cùng với đó, tận dụng thời gian rảnh bà lại trồng thêm cây chè để mở rộng diện tích, nâng cao thu nhập.
Đến năm 2010, khi quả hồi tươi bắt đầu có giá, bà Dung dành nhiều thời gian chăm bón cây hồi hơn. Đặc biệt, từ ngày dành công chăm sóc, mỗi vụ thu hoạch, gia đình lại có một nguồn thu nhập ổn định hơn. Ví như trước đây, cây hồi thường chỉ cho thu 1 vụ chính thì từ ngày chăm sóc hồi đã cho thu 2 vụ/năm, mỗi năm cho thu từ 12 đến 15 tấn quả. Cùng với đó, cây chè cũng được thu kéo dài từ tháng giêng đến tháng 10 âm lịch với sản lượng từ 2,5-3 tấn chè tươi/năm.
Ngoài chăm sóc vườn đồi, chăn nuôi, bà Dung đầu tư thêm máy sao chè để chế biến chè khô bán cho khách. Đến nay, gia đình bà Dung đã có 1 lượng khách ổn định ở Hà Nội và thành phố Lạng Sơn chuyên đặt mua chè khô đều đặn.
Bên cạnh đó, cũng từ năm 2010, nhận thấy nhu cầu của bà con trong thôn, xóm, bà Dung bàn với gia đình đầu tư mở dịch vụ cho thuê bàn ghế, phông bạt, bát đĩa… để phục vụ bà con khi có nhu cầu, giúp bà con không phải ra tận huyện để thuê như trước đây. Đặc biệt, đối với các gia đình khó khăn, khi có đám hiếu, đám giỗ, bà Dung thường không lấy tiền, cho họ mượn miễn phí. Hiện nay, gia đình bà duy trì mô hình kinh tế tổng hợp trồng chè dưới tán hồi (5 ha); cho thuê bàn ghế, phông bạt… với thu nhập bình quân 250 triệu đồng/năm.
Bà Hoàng Thị Đá, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Tô Hiệu cho biết: Chị Dung hiện là Tổ trưởng Tổ TNXP của thôn Khau Phụ rất năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm, luôn đi đầu trong các phong trào, hoạt động chung. Khi các chương trình được triển khai, chị luôn tiên phong đóng góp đồng thời tuyên truyền, vận động, khuyến khích các chị em hội viên khác cùng tham gia; kết nối các hội viên đoàn kết, giúp nhau cùng phát triển. Đây cũng là hội viên cựu TNXP xã Tô Hiệu đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình.
Với những cố gắng, nỗ lực của mình, năm 2017, gia đình bà Dung vinh dự được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi, phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ý kiến ()