Cựu thanh niên xung phong làm giàu từ nghề truyền thống
– Với sự nhanh nhẹn, năng động, thời gian qua, cựu thanh niên xung phong Hoàng Thị Đươi (sinh năm 1944), thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan đã phát triển thành công mô hình kinh tế từ nghề làm cao khô truyền thống của gia đình, đem lại thu nhập cao, vươn lên làm giàu tại địa phương.
Bà Đươi sinh ra và lớn lên tại thôn Pác Làng, xã Điềm He. Năm 1965, bà lên đường tham gia lực lượng thanh niên xung phong, đến năm 1975, bà trở về địa phương. Năm 1976, bà lập gia đình và sinh sống tại thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc. Những ngày đầu mới lập gia đình, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống khó khăn, nhà có ít ruộng vườn, thu nhập chính nhờ vào việc buôn bán nhỏ ở chợ Bãi. Do vậy, bà luôn trăn trở tìm hướng vươn lên thoát nghèo. Với suy nghĩ đó, bà đã quyết định phát triển nghề làm cao khô truyền thống của gia đình do các cụ truyền lại.
Bà Đươi bó cầu cao để giao cho khách hàng
Chúng tôi đến thăm gia đình bà Đươi vào một ngày đầu tháng 3/2022, dù đã gần 80 tuổi nhưng đôi tay bà vẫn rất nhanh nhẹn bó những cầu cao. Vừa bó cao, vừa trò chuyện, bà cho biết: Trước đây, khi phát triển nghề của gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn, sản xuất cao khô hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên năng suất không cao, đầu ra cũng chưa được thuận lợi, hồi đó, còn phải gánh đi các chợ phiên trong huyện bán. Lúc đó, mỗi ngày tôi chỉ làm được 16 kg gạo, số lượng cầu cao ít nên thu nhập thấp.
Để nâng cao thu nhập, năm 2011, bà Đươi đã bàn bạc với các thành viên trong gia đình vay hơn 50 triệu đồng từ bạn bè, người thân để đầu tư máy móc hiện đại như: máy tráng, máy cắt cao, qua đó nâng cao được năng suất, chất lượng của sản phẩm. Từ đó, mỗi ngày, bà làm được 100 kg gạo, được 400 cầu cao. Mỗi cầu cao bán với giá 7.000 đồng, trung bình một tháng, bà sản xuất được 12.000 cầu cao, thu về 84 triệu đồng.
Theo bà Đươi, để làm được cao khô phải trải qua nhiều công đoạn trong quy trình sản xuất như: chọn gạo, ngâm gạo, nghiền bột, tráng bánh, phơi bánh tráng.., với thời gian trên 30 tiếng đồng hồ để cho ra những sợi mỳ dẻo, dai. Nhờ đó, cao khô do gia đình bà sản xuất ra được khách hàng ưa chuộng và được đánh giá cao bởi độ giòn, dẻo, dai và thơm ngon hơn các loại mỳ khác. Do đó, sản phẩm sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Hiện nay, thị trường tiêu thụ cao khô của gia đình bà không chỉ ở trong tỉnh mà đã mở rộng ra các tỉnh, thành như: Bắc Giang, Hà Nội, Thái Nguyên…
Từ sản xuất cao khô, trung bình mỗi năm gia đình bà khoảng 1 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí nhân công, nguyên liệu, thu nhập của gia đình bà hơn 270 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, mô hình sản xuất cao khô của gia đình bà Đươi đã tạo việc làm ổn định cho 3 lao động địa phương với mức lương 4 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, bà Đươi luôn chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Bà luôn tích cực tham gia các phong trào của hội cũng như các phong trào do xã phát động.
Ông Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Bà Đươi là cựu thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi của xã. Mặc dù bà đã tuổi cao nhưng vẫn hăng hái tham gia vào phát triển kinh tế gia đình, đem lại thu nhập cao. Bà luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hội viên khác phát triển kinh tế. Cụ thể, bà đã giúp đỡ 2 đồng đội cựu thanh niên xung phong về tiền vốn ban đầu là 10 triệu đồng/đồng chí để mở xưởng sản xuất cao khô và hỗ trợ kinh nghiệm sản xuất chế biến cao khô để áp dụng vào sản xuất đem lại thu nhập cao. Bà là tấm gương điển hình để mọi người học tập và noi theo.
Với những nỗ lực đó, trong nhiều năm liền, bà Đươi đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Như năm 2019, bà được Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động và xây dựng hội; năm 2020, bà Đươi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì là nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương; năm 2021, bà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước.
Ý kiến ()