Cựu thanh niên xung phong làm giàu từ mô hình trồng hoa giấy
– Với sự năng động, chịu khó học hỏi, ông Hà Văn Bạn, sinh năm 1956, hội viên Chi hội Cựu thanh niên xung phong thôn Mỏ Rọ, xã Vạn Linh huyện Chi Lăng đã vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình trồng hoa giấy, đem lại thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm.
Có dịp đến thăm mô hình kinh tế của gia đình ông Hà Văn Bạn, chúng tôi ấn tượng với vườn hoa giấy đang nở rộ, trong vườn những gốc hoa giấy được ông Bạn chăm sóc tỉ mỉ. Trò chuyện với chúng tôi, ông Bạn tâm sự: Năm 1973, tôi tình nguyện tham gia thanh niên xung phong. Năm 1975 trở về địa phương rồi lập gia đình, cuộc sống gặp nhiều khó khăn đã thôi thúc tôi phải tìm tòi, nỗ lực vươn lên phát triển. Nhận thấy tại quê hương mình có nhiều hàng rào cây hoa giấy mọc tự nhiên, hoa nở đẹp, nhiều người đến tìm mua, năm 2020, tôi đã nhen nhóm ý tưởng cắt cây hoa giấy bản địa về trồng thử.
Ông Hà Văn Bạn chăm sóc cây hoa giấy
Ban đầu, ông trồng thử khoảng 100 gốc tại vườn của gia đình, khi thấy cây phát triển tốt và có hiệu quả kinh tế, ông mở rộng dần diện tích. Đến nay, trên diện tích 2 mẫu vườn, ông đã ươm được 1.700 cây giống, trồng được trên 2.000 cây hoa giấy cảnh.
Theo ông Bạn, hoa giấy là loại cây ưa nắng và chịu hạn tốt nên sinh trưởng, phát triển rất nhanh, sau 6 – 8 tháng chăm sóc là có thể xuất bán. Hiện nay, ông Bạn bán cây giống với giá 15 nghìn đồng/cây; từ 300 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng/cây hoa giấy cảnh, có nhiều cây có giá từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng/cây. Có thời điểm cây đắt nhất ông bán được 36 triệu đồng.
Hiện nay, cây hoa giấy của ông Bạn được bán ra thị trường quanh năm cho đông đảo khách hàng trong và ngoài tỉnh. Trong đó chủ yếu là các thương nhân tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh đến thu mua tại vườn. Mỗi năm ông bán ra thị trường với số lượng trên 1.000 cây hoa giấy (gồm cả cây giống và cây cảnh), trừ chi phí và ngày công lao động ông thu lãi 200 triệu đồng/năm.
Ông Bạn chia sẻ: Quá trình trồng cây, tôi phải tự học hỏi kỹ thuật trồng hoa giấy từ cách giâm cành, sửa cành, kỹ thuật cắt cành đến cách uốn, tạo dáng.
Nhờ nắm vững yêu cầu kỹ thuật, giai đoạn đầu, ông chủ yếu cho cây phát triển thân, khi cây cao từ 1 đến 1,3 m mới cho ra hoa. Trung bình mỗi năm, bón phân khoảng 2 lần, chủ yếu là phân chuồng để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
Ông Nguyễn Xuân Tới, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Vạn Linh cho biết: Mô hình trồng hoa giấy của ông Hà Văn Bạn là mô hình trồng hoa giấy đầu tiên của xã Vạn Linh. Với sự năng động, chịu khó học hỏi, mô hình của gia đình ông đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ mô hình trồng cây hoa giấy cho thu nhập cao, ông Bạn trở thành tấm gương thanh niên xung phong tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện, của tỉnh. Năm 2022, ông được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong phong trào thi “Nông dân có mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho lao động địa phương”.
Ý kiến ()