Cựu chiến binh xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế
(LSO) – Bằng nhiều biện pháp thiết thực, những năm qua, các cấp hội cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phát huy tinh thần xung kích, dám nghĩ dám làm, phát triển thành công nhiều mô hình kinh tế, nâng cao đời sống, thoát nghèo bền vững.
Sau khi xuất ngũ trở về địa phương, ông Vy Văn Chung, hội viên Chi hội CCB thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhận thấy xã có thế mạnh về phát triển lâm nghiệp, ông đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng. Ông Chung nhớ lại: Ban đầu, vợ chồng tôi vay vốn để đầu tư trồng 6 ha bạch đàn. Đến năm 2000, tôi quyết định mở xưởng gỗ bóc tại nhà. Từ đó đến nay, xưởng bóc gỗ tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Cộng thêm dịch vụ cho thuê máy xúc, bình quân gia đình tôi thu nhập khoảng 600 triệu đồng/năm.
Cùng với ông Chung, hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.300 mô hình kinh tế do hội viên CCB làm chủ có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho trên 4.000 lao động là con em hội viên và người dân địa phương. Nhờ đó, đời sống của gia đình hội viên CCB từng bước cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đến nay chỉ còn chiếm 7% tổng số hội viên.
Ông Hoàng Quốc Lược, hội viên Hội CCB xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng làm cỏ, chăm sóc vườn bưởi Diễn
Để có kết quả đó, các cấp hội CCB đã phát động hội viên tích cực tham gia phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, trong đó thường xuyên gặp gỡ, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên và cùng tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn, giúp hội viên phát triển kinh tế. Đa số hội viên CCB là những người lính trở về từ chiến trường với hai bàn tay trắng, muốn phát triển kinh tế thì trở ngại lớn nhất chính là thiếu vốn đầu tư. Nhận thấy điều này, các cấp hội CCB đã nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh với tổng dư nợ đến nay trên 58,5 tỷ đồng với 1.272 hộ được vay. Vốn vay được hội viên sử dụng để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ… đem lại hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, các cấp hội đã xây dựng quỹ ở từng chi hội với mức đóng góp từ 380 nghìn đồng/hội viên. Đến nay, 100% chi hội ở cơ sở đều có quỹ hội, bình quân đạt 408 nghìn đồng/hội viên. Số tiền quỹ hội chủ yếu cho hội viên vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp để phát triển kinh tế. Ông Dương Công Sơn, Chủ tịch Hội CCB xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn cho biết: Hội CCB xã hiện có 233/233 hội viên đóng quỹ hội được hơn 200 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, hội đã cho 12 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn phát triển kinh tế với lãi suất thấp. Đồng thời, nhận ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội cho hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ hơn 4,3 tỷ đồng. Nhờ đó, đến nay, Hội CCB xã đã phát triển được 6 mô hình kinh tế do hội viên làm chủ, góp phần nâng cao đời sống cho hội viên CCB và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 4 người dân trong xã.
Cùng với đó, các cấp hội CCB thường xuyên phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên có kiến thức áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức được hơn 400 lớp tập huấn, thu hút hơn 1.200 hội viên tham gia.
Với sự nỗ lực và những hỗ trợ thiết thực của các cấp hội, phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã có sức lan tỏa sâu rộng, động viên CCB vươn lên khắc phục khó khăn, xung kích trên mặt trận phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội CCB tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, trong đó chỉ đạo các cấp hội nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả để hội viên học tập và giúp đỡ lẫn nhau. Đặc biệt tạo điều kiện cho hội viên vay vốn đầu tư phát triển trồng rừng, chăn nuôi và kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo do hội viên CCB làm chủ từ 1% đến 2%/năm.
Ý kiến ()