Cựu chiến binh vượt khó thoát nghèo
– Rời quân ngũ trở về quê hương, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, cựu chiến binh (CCB) Vũ Đình Tường, sinh năm 1958, khu III, thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định đã vượt mọi khó khăn để vươn lên thoát nghèo với mô hình thu mua nông sản và kinh doanh hàng tạp hóa.
Năm 1975, ông Tường xung phong nhập ngũ. Năm 1982, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương và công tác tại Phòng Tài chính huyện Tràng Định đến năm 1994. Năm 1995, ông lập gia đình, hai vợ chồng bắt đầu buôn bán nhỏ lẻ ngoài chợ. Dù chăm chỉ làm lụng nhưng kinh tế gia đình ông không mấy dư dả, phần vì ông Tường vừa phải ngược xuôi chăm sóc cha mẹ già yếu, bệnh tật, vừa phải chăm lo cho các em, các con ăn học.
Ông Tường kiểm tra hàng hóa trong cửa hàng
Để cải thiện kinh tế, năm 1997, ông Tường bắt đầu khởi nghiệp với mô hình kinh doanh nước khoáng đóng bình. Thế nhưng do thiếu kinh nghiệm nên mô hình thất bại. Không nản chí, ông Tường đã chuyển hướng thu mua các loại nông sản của bà con địa phương như: gạo mèn thương, gạo bao thai, ngô, đỗ tương, lạc, hoa quả… Năm 2016, ông Tường quyết định mở rộng quy mô thu mua nông sản và mở thêm cửa hàng tạp hóa.
Có sẵn đầu mối thu mua và khách hàng thân thiết nhưng lại chưa có kinh nghiệm kinh doanh hàng tạp hóa nên trước khi nhập hàng về bán, ông Tường đã dành ra khoảng 3 tháng nghiên cứu thị trường. Ông đến một số siêu thị, đại lý kinh doanh hàng tạp hóa lớn ở các địa phương lân cận như: huyện Văn Lãng, huyện Cao Lộc… để nắm bắt nhu cầu, mức chi trả của khách hàng, khảo sát giá cả thị trường đối với các loại mặt hàng mà mình muốn kinh doanh.
Ông Tường cho biết: Khi mở rộng quy mô, tôi gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn. Vì vậy, tôi đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng và vay anh em họ hàng thêm 100 triệu đồng để làm vốn, nhập các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu đời sống hằng ngày của người dân lân cận và mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc bán hàng.
Thời gian đầu, ông Tường chỉ nhập khoảng 100 mặt hàng tạp hóa, mỗi danh mục sản phẩm, ông chỉ nhập về số lượng ít nhưng lại đa dạng mẫu mã. Sau đó, ông theo dõi xem khách hàng của mình chọn loại hàng nào nhiều hơn để đẩy mạnh kinh doanh cho những lần nhập hàng sau. Do giá bán ổn định, hàng hóa đảm bảo chất lượng, số lượng người dân đến mua hàng ngày càng nhiều.
Năm 2017, khi kinh doanh hiệu quả, ông Tường mở rộng quy mô cửa hàng, từ 86 m2 diện tích ban đầu lên 250 m2, lượng mặt hàng có trong cửa hàng ông Tường cũng tăng từ 200 mặt hàng ban đầu lên gần 1.000 mặt hàng.
Cùng đó, việc thu mua nông sản cũng gặp nhiều thuận lợi, người dân địa phương đến bán nông sản cho ông Tường ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm, ông thu mua và bán khoảng 200 tấn nông sản các loại. Hàng hóa của ông Tường thường được thương nhân ở trong và ngoài tỉnh như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Cao Bằng… đến mua.
Không chỉ giúp tăng thu nhập, gia đình ông Tường còn giúp tạo việc làm cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập gần 5 triệu đồng/người/tháng. Từ năm 2017 đến nay, mô hình kinh tế của ông Tường hoạt động hiệu quả, trung bình mỗi năm, doanh thu đạt trên 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Tường thu lãi từ 250 đến 300 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Du, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Thất Khê cho biết: Không chỉ là một tấm gương năng động phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho gia đình và quê hương, ông Tường còn gương mẫu cùng gia đình chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương và là một trong những hội viên CCB tích cực tham gia các phong trào của hội, luôn quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu cho các hội viên khác.
Dù khởi nghiệp khá muộn, song ý chí quyết tâm vượt khó của ông Tường đã giúp gia đình ông có cuộc sống đủ đầy hơn, nhờ đó, từ năm 2018, gia đình của ông Tường chính thức thoát nghèo. Năm 2021, ông được nhận bằng khen của Chủ tịch Hội CCB tỉnh vì có thành tích trong thực hiện phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()