Cựu chiến binh Văn Quan sử dụng hiệu quả vốn vay, xóa nghèo bền vững
LSO- Sinh sống ở một huyện nghèo, nhân dân ở huyện Văn Quan nói chung và cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) nói riêng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Theo rà soát, tìm hiểu nguyên nhân, số hộ nghèo do thiếu tư liệu sản xuất chiếm 75% tổng số hộ nghèo. Sớm nắm bắt được thực trạng này, những năm qua, các cấp hội CCB đã quan tâm tạo điều kiện cho các hộ gia đình cán bộ, hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều hội viên đã từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống và nuôi dạy con cái ăn học, trưởng thành.
LSO- Sinh sống ở một huyện nghèo, nhân dân ở huyện Văn Quan nói chung và cán bộ, hội viên cựu chiến binh (CCB) nói riêng gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. Theo rà soát, tìm hiểu nguyên nhân, số hộ nghèo do thiếu tư liệu sản xuất chiếm 75% tổng số hộ nghèo. Sớm nắm bắt được thực trạng này, những năm qua, các cấp hội CCB đã quan tâm tạo điều kiện cho các hộ gia đình cán bộ, hội viên vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập. Nhờ đó, nhiều hội viên đã từng bước thoát nghèo, cải thiện đời sống và nuôi dạy con cái ăn học, trưởng thành.
Xuất ngũ trở về địa phương, lại được Nhà nước giao đất trồng rừng, ông Ngô Tuấn Dân (hội viên CCB khu Tân Long, thị trấn Văn Quan) phấn khởi và quyết tâm bắt tay vào công việc mới. Thoắt cái đã mấy chục năm, giờ đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng ông vẫn hết sức tâm huyết và quyết tâm gắn bó với 5 héc ta rừng hồi. Ông Dân nhớ đã 2 lần được hội CCB huyện, thị trấn tín chấp với ngân hàng cho vay vốn để mua thêm cây giống và tu bổ rừng. Có lần 5 triệu, lần 15 triệu. Rừng hồi của ông đến nay bạt ngàn, không đếm xuể, ước phải đến hơn 1.000 gốc. Ngoài hồi, ông còn xen canh trồng thêm 0,5 héc ta ngô, chăn nuôi gà. Mỗi năm gia đình ông thu hoạch được hơn 80 triệu đồng. Đến nay, ông đã xây dựng được nhà ở rộng rãi, khang trang ở mặt đường quốc lộ 1B.
Cán bộ CCB thị trấn Văn Quan khảo sát mô hình kinh tế của hội viên sau khi vay vốn
Ngoài ông Dân, Hội CCB huyện còn có nhiều mô hình kinh tế tiêu biểu khác. Đặc biệt, có những CCB được hỗ trợ vốn đã xây dựng thành công mô hình kinh tế gia đình, tích lũy tiền xây dựng lại nhà ở, vươn lên thoát nghèo. Đơn cử như ông Hứa Văn Độ (thị trấn Văn Quan) vay 25 triệu đồng nuôi trâu, làm ruộng, xây dựng lại nhà ở và thoát nghèo năm 2012; ông Vi Cao Thắng (xã Văn An) trồng hồi, cây ăn quả thu nhập bình quân khoảng 50 triệu đồng/năm… Trong 10 năm qua, Hội CCB huyện đã nhận ủy thác với ngân hàng cho trên 4.000 lượt hội viên vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ đến nay hơn 31 tỷ đồng, tăng hơn 30 tỷ đồng so với năm 2003. Tính riêng từ đầu năm 2013 đến nay, huyện đã giúp 19 hội viên hoàn thiện thủ tục, vay được trên 390 triệu đồng.
Hiện nay toàn huyện có 45 tổ tiết kiệm & vay vốn do hội viên CCB quản lý. Nhiều hội cơ sở làm tốt công tác quản lý và sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Điển hình như: Hội CCB xã Văn An, Hòa Bình, Xuân Mai, Hữu Lễ… Ông Hoàng Văn Ngô, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Đoàn cho biết, xã hiện có 184 hội viên nhưng có đến 2 tổ tiết kiệm & vay vốn với 50 thành viên. Hiện nay tổng dư nợ của hội lên đến 1 tỷ 558 triệu đồng. Hầu hết các hội viên có nhu cầu vay vốn đều được xem xét giải quyết các thủ tục cho vay một cách nhanh chóng, đúng người và đạt hiệu quả. Vì thế, tuy là xã vùng II nhưng đời sống của các hộ gia đình CCB từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ CCB nghèo liên tục giảm qua các năm (năm 2012 giảm được 30 hộ nghèo). Hội viên CCB và nhân dân yên tâm làm ăn, sinh sống, tin tưởng tuyệt đối vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, hăng hái tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Với những cách làm cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, từ năm 2003 đến nay, Hội CCB huyện đã giảm được gần 1.000 hộ hội viên nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động, người thân CCB. Gần 200 lượt hội viên là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt khó khăn được vay vốn với lãi suất ưu đãi 0% đã sớm vượt qua đói nghèo, ổn định cuộc sống. Bà Đàm Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện chia sẻ: để giúp các hội viên có điều kiện phát triển kinh tế, các cấp hội đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, vận động cán bộ, hội viên khắc phục mọi khó khăn, nêu cao phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” dám nghĩ dám làm, không cam chịu đói nghèo, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển kinh tế. Đồng thời phân công cán bộ phụ trách vay vốn ủy thác để đi sâu vào từng chi hội, làm tốt công tác kiểm tra giám sát, định hướng cho hội viên cách thức làm ăn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, có giá trị kinh tế cao, giúp hội viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Bài, ảnh: NGỌC HIẾU
Ý kiến ()