Cựu chiến binh trẻ tuổi làm giàu nhờ thu mua cây dược liệu
– Với khát vọng làm giàu của tuổi trẻ, anh Vi Văn Thiệp, sinh năm 1982, hội viên cựu chiến binh (CCB) thôn Yên Thành, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn đã không ngừng tìm tòi, học hỏi kiến thức để phát triển kinh tế bằng việc thu mua cây dược liệu. Nhờ đó, kinh tế gia đình của anh Thiệp đã được cải thiện.
Tháng 2/2004, anh Thiệp lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đến tháng 1/2006, anh xuất ngũ trở về địa phương làm nông nghiệp. Thời điểm đó, gia đình anh chỉ có hơn 8 sào đất ruộng và đất vườn để canh tác các loại cây trồng như ngô, lúa… nên kinh tế gia đình chỉ đủ ăn. Năm 2007, anh Thiệp quyết định vào miền Nam làm thuê, đặt chân đến huyện Thủ Đức (nay là thành phố Thủ Đức) làm công nhân đóng tàu biển. Dẫu vậy, thu nhập cũng chỉ đủ sống, vì vậy, anh rở về nhà sau hơn 2 năm làm thuê nơi đất khách.
Anh Vi Văn Thiệp thực hiện quy trình băm cây dược liệu
Tháng 6/2009, anh Thiệp lập gia đình và cùng vợ tập trung làm đậu, nấu rượu, nuôi lợn và thu mua sắt vụn để trang trải cuộc sống. Trong một lần tình cờ vào quê vợ ở huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), tỉnh Thanh Hóa chơi, anh Thiệp thấy người dân ở đây thu mua và bán các loại cây bụi, dây rừng, cây thủy canh, cây đau xương, cây vối… với số lượng lớn. Qua tìm hiểu, anh Thiệp được biết, họ thu mua những loại cây đó về để phơi khô sau đó bán cho các công ty sản xuất dược liệu.
Anh Thiệp cho biết: Nhận thấy các loại cây dùng để chế biến dược liệu có rất nhiều ở quê mình, tôi và vợ đã quyết định vào Thanh Hóa và đi học tập kinh nghiệm ở các tỉnh: Quảng Bình, Hòa Bình gần nửa năm để tìm hiểu thị trường cũng như quy trình thu mua, đóng gói cây dược liệu… Đến đầu năm 2016, khi đã tích góp được số tiền khoảng 70 triệu đồng, hai vợ chồng tôi quyết trở về quê hương để khởi nghiệp bằng nghề này.
Cùng với số tiền dành dụm được, anh Thiệp vay thêm anh em, bạn bè mua ô tô tải dùng để chở cây dược liệu thu mua được đến công ty giao hàng. Công việc suôn sẻ, cung không đủ cầu, đến năm 2018, vợ chồng anh Thiệp quyết định mua thêm một ô tô tải nữa để phục vụ cho việc thu mua, vận chuyển cây dược liệu. Năm 2021, vợ chồng anh đầu tư 170 triệu đồng mua 2 mảnh đất gần nhà để xây lò sấy cây dược liệu và đổ bê tông mặt bằng sân phơi rộng 400 m2. Hằng tháng, gia đình thu mua được trên 30 tấn cây dược liệu từ người dân trong thôn, xã, các xã, huyện, các tỉnh… và cung cấp đến thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa… Để tăng khối lượng sản phẩm thu mua và xuất bán, gia đình anh Thiệp đã thuê thêm nhân công để thực hiện các quy trình băm, sấy và đóng gói cây dược liệu.
Với sự nỗ lực của mình, mô hình thu mua cây dược liệu đã giúp cải thiện kinh tế gia đình, giúp gia đình anh mua được đất, xây dựng được một ngôi nhà khang trang và có điều kiện tốt hơn để nuôi các con ăn học. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, trừ tất cả các chi phí, gia đình anh Thiệp thu được trên 400 triệu đồng từ kinh doanh cây dược liệu. Từ mô hình kinh tế này, gia đình anh đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập từ 6 đến 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Hoàng Văn Thảo, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thành cho biết: Không chỉ là một CCB năng động phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương, anh Thiệp còn tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động ở địa phương. Hằng năm, gia đình anh Thiệp thường ủng hộ từ 3 đến 5 triệu đồng cho các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, ủng hộ làm đường giao thông nông thôn… Anh Thiệp xứng đáng là tấm gương tiêu biểu để những hội viên khác và bà con học tập, noi theo.
Với những nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, những năm qua, anh Thiệp nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp, ngành địa phương. Tháng 9/2021, anh Thiệp vinh dự là CCB trẻ tuổi nhất nhận bằng khen của Chủ tịch Hội CCB tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()