Cựu chiến binh tiên phong làm giàu từ cây mắc ca
– Phát huy bản chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh (CCB) Nông Văn Viên, sinh năm 1958, thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia đã không ngừng vượt khó, nghiên cứu, học hỏi tiên phong trồng cây mắc ca và thành công với mô hình kinh tế cho thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm.
Năm 1977, người thanh niên 19 tuổi Nông Văn Viên lên đường nhập ngũ, phục vụ tại các đơn vị thuộc Trung đoàn 411. Đến năm 1982, ông phục viên chuyển ngành về địa phương, làm việc tại Bưu điện tỉnh, Trung tâm Viễn thông huyện Bình Gia. Trong quá trình công tác, ông đã nghiên cứu sách báo, tạp chí để tìm hướng phát triển kinh tế mới. Nhận thấy mắc ca là một loại cây trồng có giá trị kinh tế cao nên vừa công tác, ông vừa tranh thủ thời gian đi tham quan các mô hình, học hỏi cách thức trồng, chăm sóc, chế biến mắc ca. Đến năm 2012, ông đã mua 300 cây giống mắc ca về trồng.
Ông Nông Văn Viên, hội viên Chi hội CCB thôn Kéo Coong, xã Tân Văn, huyện Bình Gia chăm sóc cây mắc ca
Để lấy ngắn nuôi dài, ông Viên đã linh hoạt tận dụng đất trồng cây mắc ca xen canh nhiều loại cây ngắn ngày như: ngô, khoai sắn, chuối, mận… Năm 2018, vườn mắc ca bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng hơn 40 kg. Năm 2019, sản lượng mắc ca tăng, ông đã mua sắm máy sấy mắc ca, máy tuốt vỏ mắc ca, sản xuất theo quy trình khép kín. Nhờ đó, việc chế biến mắc ca trở nên tiện lợi. Sản lượng mắc ca bình quân đạt hơn 700 kg/năm. Sản phẩm mắc ca của gia đình ông được thương lái vào thu mua tận nhà với giá bình quân 200 nghìn đồng/kg.
Nhận thấy giá trị kinh tế của giống cây trồng này, năm 2020 ông tiếp tục trồng hơn 700 cây mắc ca. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc cây, vừa tìm kiếm thị trường tiêu thụ, đến nay, vườn cây mắc ca hơn 1.000 gốc sinh trưởng, phát triển tốt. Doanh thu từ mắc ca cộng với các cây trồng xen canh khác, mỗi năm gia đình ông Viên thu nhập được hơn 200 triệu đồng.
Từ hiệu quả thực tế đó, mô hình trồng và chế biến mắc ca của gia đình ông Viên đã trở thành mô hình điểm để người dân trong thôn đến học tập kinh nghiệm. Điều đáng ghi nhận là, ngay khi nhận thấy sản phẩm làm ra có đầu ra ổn định, năm 2018, ông Viên đã tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, tạo điều kiện của chính quyền địa phương và tổ chức hội CCB để tập hợp các hội viên có cùng sở thích trồng cây mắc ca, thành lập HTX Nông lâm nghiệp Mắc Ca Kéo Coong với 12 thành viên. Các thành viên trong HTX đã hợp tác tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cung ứng dịch vụ nông nghiệp và chuyển giao khoa học kỹ thuật chăm sóc cây. Đến nay, các thành viên HTX đã trồng được 4.500 cây mắc ca.
Ông Nông Ngọc Thị, Chủ tịch Hội CCB xã Tân Văn cho biết: Với kinh nghiệm tích lũy được từ thực tế, ông Viên đã nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trồng mắc ca cho những ai có cùng sở thích phát triển nông nghiệp. Ông còn tham mưu cho Hội CCB xã, huyện tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên và Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây mắc ca. Đến nay, xã Tân Văn có khoảng 250 hộ trồng mắc ca với diện tích khoảng 30 ha.
Với những gì đã làm được, nhiều năm liền, ông Nông Văn Viên đều đạt danh hiệu CCB sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Đặc biệt, tháng 8/2021, ông vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()