Cựu chiến binh thi đua phát triển kinh tế
Rất nhiều cựu chiến binh sau khi chiến đấu ở các mặt trận, có những người mang thương tật trong người, nhưng với tinh thần xung kích, đã trở thành những người làm kinh tế giỏi. Những kết quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ không chỉ phát triển kinh tế gia đình, mà còn đóng góp không nhỏ vào công cuộc xoá đói giảm nghèo, tạo cơ hội cho nhiều lao động có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Thực tế cho thấy, với tinh thần dám nghĩ, dám làm, nắm bắt được xu hướng vận động của kinh tế thị trường, nên mô hình sản xuất, kinh doanh của các cựu chiến binh rất đa dạng. Có người làm trang trại, có người mở doanh nghiệp chế biến nông sản, có người mở doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, có người mở doanh nghiệp cơ khí… Mặc dù làm kinh tế trong thời kỳ hội nhập là một việc làm không dễ, nhưng có không ít cựu chiến binh đã thành công, trở nên giàu có và giúp cho mọi người xung quanh cùng phát triển kinh tế. Những đóng góp của họ đối với xã hội đã thể hiện ý chí cao đẹp, kiên trung của người lính Cụ Hồ.
Những điển hình trong phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, có thể kể đến ông Huỳnh Văn Ri, thương binh hạng 4/4 (tỉnh Vĩnh Long). Ông là người đã áp dụng thành công vào mô hình sản xuất lươn giống với thu nhập bình quân mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Nhờ tích luỹ được kinh nghiệm của nghề bắt lươn, bắt cá từ thiên nhiên, ông đã áp dụng thành công cho việc nuôi lươn sinh sản, bán con giống. Năm 2013, với 4.000 con lươn bố, mẹ sinh sản, ông cung cấp cho thị trường 350.000 con lươn giống, tổng thu nhập trên một tỷ đồng. Năm 2014, ông Ri dự kiến xuất từ 500.000 – 800.000 con lươn giống. Với giá bán mỗi con 3.000 đồng như hiện nay, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ông thu về đạt trên 1,5 tỷ đồng. Ông Ri cũng là hộ nông dân duy nhất của tỉnh Vĩnh Long cung cấp lươn giống từ nguồn nuôi ấp nhân tạo với số lượng lớn. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế gia đình, ông Ri còn thường xuyên tham gia các hoạt động của địa phương, sẵn sàng giúp đỡ người dân, đặc biệt là từ nghề nuôi lươn sinh sản.
Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Châu (tỉnh Bình Định). Ông là một trong những tấm gương tiêu biểu vượt khó làm giàu với việc mở một công ty tư nhân đóng sửa tàu thuyền, nuôi tôm trên cát và dịch vụ xăng dầu. Công ty của ông đạt tổng doanh thu bình quân trên 30 tỷ đồng/năm và nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng. Công ty của ông đã tạo việc làm cho hàng chục công nhân sửa chữa nâng cấp hàng chục con tàu phục vụ ngư dân ra khơi bám biển. Ngoài việc thành lập cơ sở đóng sữa tàu thuyền với qui mô hơn 100 chiếc tàu/năm, ông còn đầu tư xây dựng một cây xăng tại xưởng đóng sửa tàu thuyền phục vụ nhu cầu tàu thuyền và phương tiện đi lại của người dân địa phương; đầu tư xây dựng một trại nuôi tôm trên cát với tổng diện tích 8,2 ha và thuê lại hồ nuôi tôm khu vực gần nhà với diện tích 4 ha để nuôi tôm trên cát. Ngoài việc nỗ lực phát triển kinh tế, ông Nguyễn Ngọc Châu luôn thực hiện tốt các chủ trương chính sách Đảng và Nhà nước, tạo việc làm cho 40 lao động thường xuyên và vào mùa vụ lên đến 200 người với mức thu nhập bình quân từ 5,5 -6 triệu đồng/người/tháng.
Thương binh Lương Công Xuân, Giám đốc doanh nghiệp Vạn Xuân (Bắc Giang), bằng nghị lực của mình đã vươn lên thành lập doanh nghiệp, làm giàu chính đáng và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân. Ngoài việc phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Lương Công Xuân còn thành lập Trung tâm dạy nghề Vạn Xuân để đào tạo nghề trẻ em khuyết tật, trẻ em bị phơi nhiễm chất độc da cam và những con em của thương binh. Đến nay, Trung tâm của ông đã đào tạo được khoảng 6.000 em, trong đó có 500 em được miễn học phí, những em khác tuỳ theo từng đối tượng được giảm học phí từ 30-70%…
Không thể kể hết được những tấm gương cựu chiến binh vượt lên chính mình, chiến thắng mọi trở ngại để phát triển kinh tế, giúp người nghèo thoát nghèo. Cũng không thể kể hết về nghĩa tình đồng đội của họ trong việc giúp đồng đội mình cùng làm kinh tế. Nhờ cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá mà công tác của Hội Cựu chiến binh ở nhiều nơi ngày càng được củng cố phát triển. Những tấm gương cựu chiến binh làm từ thiện; những mô hình làm kinh tế theo ngành nghề phù hợp với từng vùng, những cách giúp nhau giảm nghèo đã phần nào thể hiện tính nhân văn, mang tình người cao cả mà không thể nói hết được bằng lời của bộ đội Cụ Hồ, xứng đáng với lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”.
Tuy phong trào cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi được phát động rộng rãi khắp trong cả nước và đã thu được những thành công, nhưng cuộc sống của không ít cựu chiến binh vẫn còn khó khăn. Chính vì thế, phong trào giúp nhau thoát nghèo cần được nâng cao chất lượng hơn nữa, mở rộng quy mô hơn nữa. Các cấp hội cựu chiến binh cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của hội viên và nhân dân; tiếp tục khuyến khích, động viên cựu chiến binh tham gia sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng, tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ cựu chiến binh và những người gặp khó khăn, hoạn nạn vươn lên để sớm có cuộc sống ổn định, giảm nghèo nhanh và bền vững.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()