LSO-Là nơi có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác nhưng thành phố Lạng Sơn vẫn còn có những hội viên cựu chiến binh (CCB) thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, xóa nghèo bền vững luôn là mối quan tâm đặc biệt của Hội CCB thành phố. Bằng các biện pháp thiết thực, thời gian qua, các cấp hội CCB trên địa bàn đã nỗ lực giúp hội viên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, thoát nghèo một cách bền vững. Thăm mô hình kinh tế của ông Vũ Huy Lân, hội viên CCB phường Chi LăngĐầu năm 2012, trên địa bàn thành phố còn 6 hộ gia đình CCB nghèo, chiếm tỷ lệ 0,18%. Đây là một tỷ lệ nhỏ, thấp hơn mức bình quân của cả tỉnh (16,17%) song hội đã quyết tâm phấn đấu xóa hết hộ nghèo. Với mục tiêu đó, các cán bộ hội đã trăn trở suy nghĩ, dành nhiều thời gian nghe đài, đọc báo, nghiên cứu tìm cách thức phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù, thế mạnh địa phương để hướng dẫn...
LSO-Là nơi có điều kiện thuận lợi hơn so với các địa phương khác nhưng thành phố Lạng Sơn vẫn còn có những hội viên cựu chiến binh (CCB) thuộc diện hộ nghèo. Vì thế, xóa nghèo bền vững luôn là mối quan tâm đặc biệt của Hội CCB thành phố. Bằng các biện pháp thiết thực, thời gian qua, các cấp hội CCB trên địa bàn đã nỗ lực giúp hội viên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống gia đình, thoát nghèo một cách bền vững.
Thăm mô hình kinh tế của ông Vũ Huy Lân, hội viên CCB phường Chi Lăng
Đầu năm 2012, trên địa bàn thành phố còn 6 hộ gia đình CCB nghèo, chiếm tỷ lệ 0,18%. Đây là một tỷ lệ nhỏ, thấp hơn mức bình quân của cả tỉnh (16,17%) song hội đã quyết tâm phấn đấu xóa hết hộ nghèo. Với mục tiêu đó, các cán bộ hội đã trăn trở suy nghĩ, dành nhiều thời gian nghe đài, đọc báo, nghiên cứu tìm cách thức phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù, thế mạnh địa phương để hướng dẫn hội viên nghèo làm kinh tế, cải thiện thu nhập. Cuối cùng, Ban Thường vụ Hội CCB thành phố quyết định trích từ quỹ “Vì đồng đội” cho 3 hộ nghèo vay với mức 5 triệu đồng/hộ. Không đưa tiền mặt, cán bộ hội trực tiếp đưa hội viên ra chợ mua lợn giống, tiêm phòng bệnh rồi giao về từng hộ gia đình. Hội còn phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và UBND địa phương tạo điều kiện cho 2 hộ vay vốn phát triển sản xuất. Cuối năm 2012, các gia đình hội viên được giúp đỡ đã phát triển kinh tế có hiệu quả, 5/6 hộ đã thoát nghèo. Ông Hoàng Lân, Chủ tịch Hội CCB phường Hoàng Văn Thụ cho biết, phường có gia đình bà Nhéo do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phải chạy chữa bệnh tật cho cậu con trai nên không thoát nghèo. Trước tình hình đó, Ban thường vụ Hội CCB phường đã họp bàn và thống nhất phương án, kêu gọi các tổ chức cá nhân hỗ trợ xây dựng 2 phòng trọ phía sau nhà để bà Nhéo có thêm nguồn thu và thời gian chăm sóc, chữa bệnh cho con trai.
Để giúp hội viên xóa nghèo bền vững, Hội CCB thành phố vừa xóa nghèo vừa quan tâm khảo sát, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, giúp hội viên có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình. Trong năm 2012, Hội CCB thành phố đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay 734 triệu đồng, nâng tổng số dư nợ lên gần 3,2 tỷ đồng với 170 hộ được vay vốn. Đi đôi với hỗ trợ vốn, các cấp hội và hội viên còn hỗ trợ nhau về khoa học kỹ thuật thông qua các buổi tập huấn, tham quan các mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả. Với những nỗ lực đó, đến nay toàn hội có gần 100 mô hình kinh tế của hội viên CCB làm ăn có hiệu quả, cho thu nhập bình quân hàng năm trên 200 triệu đồng, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.
Ông Nguyễn Nhật Chiến, Chủ tịch Hội CCB thành phố cho biết: việc giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống là một “chất keo” gắn kết các cán bộ, hội viên với nhau và với tổ chức hội. Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên CCB, phấn đấu để tất cả các hội viên CCB và gia đình có cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Ngọc Hiếu
Ý kiến ()