Cựu chiến binh phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách
– Thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hội viên cựu chiến binh (CCB) trên địa bàn tỉnh đã vượt lên khó khăn phát triển thành công các mô hình kinh tế, trở thành những tấm gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh.
Cựu chiến binh xã Long Đống, huyện Bắc Sơn phát triển mô hình chăn nuôi lợn từ nguồn vốn vay ưu đãi
Những ngày giữa tháng 7/2023, có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi của CCB Dương Thời Thực, hội viên Chi hội CCB thôn Yên Thành, xã Tân Thành, huyện Bắc Sơn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước quy mô chuồng trại của gia đình. Ông Thực chia sẻ: Khi tôi rời quân ngũ, điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn, không có thu nhập ổn định. Năm 2018, nhờ được cán bộ Hội CCB xã tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi đã làm hồ sơ vay 50 triệu đồng của NHCSXH để mua vật liệu xây dựng xây chuồng trại, thực hiện mô hình chăn nuôi lợn khép kín. Vừa làm, vừa học hỏi, tôi từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, trang trại chăn nuôi lợn của gia đình luôn duy trì nuôi 1.000 con lợn, mang lại thu nhập từ 600 đến 800 triệu đồng/năm.
“Những năm qua, các cấp hội CCB trong toàn tỉnh đã thực hiện tốt vai trò nhận ủy thác nguồn vốn với ngân hàng. Thông qua đó, nhiều hội viên CCB đã được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Từ sự phối hợp chặt chẽ giữa hội CCB và NHCSXH trong triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác ủy thác, nguồn vốn không chỉ được đưa đến đối tượng thụ hưởng kịp thời mà chất lượng tín dụng cũng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, chỉ chiếm 0,05%”. Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh |
Tương tự, gia đình CCB Lăng Văn Tuấn, khối Trần Quang Khải 2, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn thành công với mô hình ươm cây giống nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Ông Tuấn cho biết: Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thiếu vốn để phát triển sản xuất, năm 2015, gia đình tôi vay 50 triệu đồng của NHCSXH để đầu tư làm mô hình ươm cây giống. Đến năm 2020, gia đình tôi tiếp tục vay 50 triệu đồng để mở rộng diện tích vườn ươm, trung bình mỗi năm xuất bán 1 đến 2 triệu cây giống. Nhờ đó, gia đình tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 8 lao động trên địa bàn.
Đó chỉ là hai trong số hàng nghìn hội viên CCB trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH để đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của NHCSXH tỉnh, đến nay, tổng dư nợ cho vay ủy thác thông qua Hội CCB tỉnh đạt 687 tỷ đồng với 11.532 lượt hộ vay. Trong đó, các hội viên chủ yếu vay chương trình: hộ nghèo 151 tỷ đồng; cận nghèo 119,3 tỷ đồng; cho vay sản xuất kinh doanh 124 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Văn Quân, Chủ tịch Hội CCB tỉnh cho biết: Hội CCB tỉnh có 12 hội trực thuộc, 237 hội cơ sở, 1.659 chi hội với gần 35.700 hội viên. Trong những năm qua, vốn vay ưu đãi là nguồn lực quan trọng giúp hội viên CCB có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Theo đó, hội luôn quan tâm đến công tác nhận ủy thác vốn vay ưu đãi với NHCSXH, đồng thời chỉ đạo các hội trực thuộc đẩy mạnh tuyên truyền đến hội cơ sở và hội viên về các chương trình cho vay ưu đãi, hướng dẫn hôi viên sử dụng vốn phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và hoàn cảnh từng gia đình.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, hội CCB các cấp đã tích cực phối hợp với hội nông dân các cấp, các cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật nhằm giúp hội viên có kiến thức áp dụng vào sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, hội CCB các cấp đã phối hợp tổ chức gần 300 lớp tập huấn cho trên 7.500 lượt hội viên về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ, kinh nghiệm canh tác các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cùng đó, hằng năm, hội cử cán bộ hội các cấp tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ quản lý, sử dụng vốn vay do ngân hàng tổ chức; quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát đối với hội cơ sở, hộ vay. Qua kiểm tra cho thấy các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình hội viên CCB có thu nhập cao như: mô hình nuôi cầy hương của hội viên CCB Mai Thanh Xuân ở xã Vũ Lễ, mô hình nuôi hươu lấy nhung của CCB Nguyễn Văn Hoan, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn; mô hình trồng na của CCB Lê Huy Lập, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng…
Nguồn tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Hiện hội có 1.369 mô hình kinh tế của hội viên CCB đem lại hiệu quả cao (từ 100 – 500 triệu đồng/năm), tăng 113 mô hình so với năm 2022, tạo việc làm cho hơn 3.800 lao động. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ hộ CCB nghèo còn 5,44%, bình quân giảm từ 2,5% – 3%/năm; tỷ lệ hộ khá giàu chiếm 86,17%.
Ý kiến ()