Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường không cam chịu đói nghèo
(LSO) – Xuất ngũ trở về địa phương, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1957) đã nỗ lực vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Hiện, gia đình ông tạo dựng được mô hình kinh tế tổng hợp, thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Giữa khu vực trang trại chăn nuôi và trồng trọt của CCB Nguyễn Văn Cường là một căn nhà rộng chừng 62 m2 được xây dựng kiên cố, nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Pha ấm trà nóng mời khách, ông Cường tâm sự: quê tôi vốn ở Vĩnh Phúc, năm 1975, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ, đóng quân ở Bắc Thái. Đến năm 1981, tôi xuất ngũ, sau đó lập gia đình với bà Sái Thị Bền và sinh sống ở thôn Còn Áng, xã Đình Lập, huyện Đình Lập.
Ông Cường chia sẻ: Những ngày đầu lập nghiệp nơi “đất khách”, gia đình tôi vô cùng khó khăn, không có ruộng đất nên tôi cùng vợ khai hoang đất đồi để xây dựng chuồng trại phát triển chăn nuôi. Ban đầu gia đình tôi chỉ nuôi 3 con lợn nái, sau khi có kinh nghiệm và kiến thức về chăn nuôi, gia đình nâng tổng đàn lợn lên ổn định từ 20 đến 30 con. Lợn thương phẩm được thị trường trong huyện ưa chuộng do gia đình sử dụng thức ăn chăn nuôi là những thực phẩm sạch, chủ yếu là ngô, chuối, dây khoai lang…
Từ khai thác nhựa thông, gia đình cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường có thu nhập trên 200 triệu đồng mỗi năm
Có thu nhập ổn định từ chăn nuôi lợn, năm 1997, từ số tiền tích góp được cộng số tiền vay mượn anh em, bạn bè, vợ chồng ông Cường tiếp tục khai phá đồi hoang trồng 7 ha thông. Nhận thấy cây thông phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, nên mỗi năm gia đình ông đều mở rộng diện tích, đến nay đã trồng được trên 20 ha. Trong đó, diện tích thông trồng trước đã cho thu hoạch, hằng năm có thu nhập khoảng 200 triệu đồng từ khai thác nhựa.
Tận dụng lợi thế đất đồi gần nhà, năm 2008, ông Cường đầu tư xây dựng chuồng trại để nuôi gà thả vườn. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm của các mô hình tiêu biểu khác trong xã, lúc đầu, gia đình ông chỉ nuôi thử nghiệm vài chục con theo hình thức gà thả vườn, bởi vậy, gà thịt của ông được nhiều hộ dân trong xã tin tưởng lựa chọn. Tiếng lành đồn xa, nhiều thương lái ở ngoài huyện tìm đến tận nhà đặt mua, hiện gia đình ông luôn duy trì đàn gà trên 150 con. Không dừng lại ở đó, gia đình ông còn nấu rượu men lá để tận dụng bống chăn lợn; trung bình mỗi ngày nấu 1 mẻ, với giá bán 25 nghìn đồng/lít, thu nhập 250 nghìn đồng/ngày.
Đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình CCB Nguyễn Văn Cường có mức thu nhập bình quân 300 triệu đồng/năm.
Ông Nông Văn Sái, Chủ tịch Hội CCB xã Đình Lập cho biết: Với bản tính cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm cộng với tinh thần ham học hỏi, CCB Nguyễn Văn Cường đã phát triển kinh tế hộ gia đình có hiệu quả, vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Cường còn được tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Còn Áng, ông luôn đi đầu trong hoạt động của thôn, năm 2017, gia đình ông hiến 1.650 m2 đất làm đường giao thông.
Với những thành tích đó, năm 2017, CCB Nguyễn Văn Cường được tặng bằng khen của Hội CCB tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu”.
Ý kiến ()