Cựu chiến binh nặng lòng với rừng
Ông Lâm phát quang rừng. Một ngày cuối năm, trời rét buốt, mưa dầm dề khiến cho con đường từ TP Huế lên Dương Hòa khoảng 35 km thêm xa hơn. Người chúng tôi tìm đến là một cựu chiến binh, thương binh Võ Văn Lâm, quê ở Thủy Phương (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) lên lập trang trại và gắn bó với vùng đất chiến khu xưa mấy chục năm nay. Ông muốn gắn bó với rừng, bởi những người lính "Bộ đội cụ Hồ" như ông đã đổ quá nhiều mồ hôi, nước mắt để có cánh rừng xanh tươi và yên bình như hôm nay.18 năm sống với rừngNgười cựu chiến binh đã bước qua tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng vẫn còn tráng kiện bồi bồi nhớ lại: "Hồi ấy, mẹ tôi đau ốm triền miên, con cái nhỏ nên gia đình quá khó khăn. Tôi không cam chịu cuộc sống ấy vì nghĩ mình là một người lính Cụ Hồ, ở trong quân ngũ bao nhiêu năm dễ gì khuất phục trước cái đói, cái nghèo. Lúc đó tôi quyết tâm lắm nhưng không nghĩ được cách gì để làm kinh tế". Năm...
Ông Lâm phát quang rừng. |
18 năm sống với rừng
Người cựu chiến binh đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng vẫn còn tráng kiện bồi bồi nhớ lại: “Hồi ấy, mẹ tôi đau ốm triền miên, con cái nhỏ nên gia đình quá khó khăn. Tôi không cam chịu cuộc sống ấy vì nghĩ mình là một người lính Cụ Hồ, ở trong quân ngũ bao nhiêu năm dễ gì khuất phục trước cái đói, cái nghèo. Lúc đó tôi quyết tâm lắm nhưng không nghĩ được cách gì để làm kinh tế”. Năm 1994, ông đã nghĩ đến vùng chiến khu Dương Hòa, vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh Thừa Thiên – Huế trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, nơi ông và đồng đội đã bao năm sống, chiến đấu. Lúc đó, ông cũng vừa kết thúc hai nhiệm kỳ công tác tại Đảng ủy xã Thủy Phương (Hương Thủy). Ông cùng hai người bạn làm đơn xin lên rừng, ở Dương Hòa để nuôi bò. Ý nghĩ đó xuất phát từ chiến khu Dương Hòa có vị thế giống một “ốc đảo” nên không ai ra vào, cỏ trong rừng rất nhiều nên ông muốn giữ bò rẽ (nuôi bò thuê) cho bà con để có tiền ổn định đời sống. Thủ tục xong xuôi, bỗng dưng bạn ông đổi ý không đi, bà con cũng thoái lui không muốn giao bò để ông giữ rẽ. Họ ái ngại bởi đường sá lên Dương Hòa cách trở, rừng rú um tùm, liệu có còn bò đem về nói chi đến chuyện sinh sôi nảy nở.
Đã cưỡi lưng “cọp” thì chẳng muốn xuống. Lúc đó, gia tài của ông đem lên rừng mở đầu cho công cuộc đổi đời của gia đình là con bê (bò non khoảng một năm tuổi). Vợ ông lo sốt vó, can ngăn nhưng ông nói chắc như đinh đóng cột: “Nếu tui chết trên rừng thì khỏi đi tìm, cứ coi như tui đi chiến đấu chết mất xác là được”. Biết ông đã quyết tâm, cản cũng chẳng được nên vợ ông đành gói ghém gạo cơm, mắm muối để ông lên rừng. Ngày đó, từ Thủy Phương lên Dương Hòa, ông đạp xe mất gần hai tiếng mới lên đến bìa rừng, từ đó gùi gạo cơm vào rừng khoảng gần một tiếng nữa. Hành trang của ông đem theo là rựa, đèn pin và cái võng. Ông kể: “Hồi nớ làm chi có đường, tui cứ dùng rựa phát cây cối thành đường mà đi. Tui chặt cây làm một cái lán nho nhỏ, ngày thì đi kiếm mây, củi trên rừng đem về bán và dắt con bê cho ăn cỏ trong rừng. Cơm thì nấu một bữa ăn cả ngày với cá suối, măng rừng. Tối thì mắc võng ngủ, rứa mà chẳng khi mô đau ốm”. Khoảng hai tháng sau, thấy chồng cất công lặn lội lên rừng, vợ ông không phản đối nữa mà đồng lòng vay mượn mua cho chồng thêm hai con bê nữa. Vốn liếng của ông bắt đầu khá hơn.
Người dân quanh vùng thấy ông chăn nuôi mát tay, bò của ông cứ béo núc nên không gọi ông là “Lâm khùng” như ngày đầu nữa, mà đem bò đến nhờ ông giữ rẽ. Ban đầu ông giữ vài chục con, dần dần người nọ mách người kia nên dân trong vùng kéo đến gửi ngày một đông. Lúc cao điểm, đàn bò do ông giữ lên đến mấy trăm con. Một thân một mình sống trong rừng sâu, lại nhiều đường, cọp, beo hồi ấy cũng còn nhiều lắm nên mỗi khi đếm bò chưa đủ, ông lại cầm đèn pin đi trong rừng cả đêm, lắm lúc tìm ra bò thì trời đã tờ mờ sáng. Tìm bò tuy mệt, song không căng thẳng như khi bò ốm. Ông bảo: “Chúng như những đứa con nhỏ. Con này sốt, con kia không chịu ăn. Rồi con khác mắt nhắm tít chẳng chịu mở. Một mình tui xoay như chong chóng từ lo tiêm thuốc đến đi bứt đót, bứt cỏ cho nó ăn để tăng sức đề kháng. Nói thiệt cả một gia tài của họ, lỡ bò chết tui lấy chi mà đền”. Có bận, các con ông muốn đỡ đần bố nên lên lán trại ở lại nhưng tối đến thấy rắn rít, cọp beo chạy rần rần cả đàn dưới sân thì chúng phát khiếp chẳng dám lên nữa.
Học Bác Hồ từ những điều bình dị nhất
Từ ngày ông Lâm mở trang trại bò trên rừng, chăm bò bận như người ta nuôi con mọn, nên một tháng ông về nhà một lần để họp chi bộ và gùi lương thực lên ăn. Vợ ông bảo: “Mỗi khi mưa lũ kéo về là cả nhà lại lo thót tim, không làm sao liên lạc được, mà thác nước thì cứ đổ ầm ầm có thể cuốn trôi lán trại ông ấy bất cứ lúc nào. Chỉ khi ông về nhà, mẹ con tôi biết ông còn sống”. Có năm, ông Lâm được chọn là điển hình, báo cáo tại hội nghị về gương thương binh làm kinh tế giỏi do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Nghe chuyện ông kể cả hội trường vỗ tay rầm rầm. Thật ra, hiệu quả kinh tế từ nghề nuôi bò của ông chưa nhiều so với người khác, nhưng nghe chuyện ông vào rừng sâu ở cả chục năm trên ấy để nuôi bò thì ai cũng nể.
Sự nỗ lực, quyết không bỏ cuộc của ông đã được đền đáp xứng đáng. 10 năm sống trong rừng, ông đã có trong tay đàn bò 130 con. Nhưng bây giờ thì ông không còn nuôi bò nữa, ông đã chuyển sang đầu tư trồng rừng kinh tế. Khi Nhà nước có chương trình phủ xanh đất trống đồi núi trọc, ông quyết định bán gần nửa đàn bò. Với số tiền gần 200 triệu đồng, ông Lâm thuê nhân công phát 40 ha cỏ dại, lau lách để trồng rừng. Theo cách lý giải của ông, “Làm ăn thì cũng phải thức thời, khi mọi người trồng rừng mà mình nuôi bò xem bộ không ổn vì rừng chẳng còn cỏ nhiều như trước”.
Trên chiếc xe máy mua giá mấy cây vàng từ thời nuôi bò, ông Lâm chở tôi vào rừng cách nơi ông ở chừng năm km. Trong rừng có rất nhiều đường, có cả những con đường rộng thênh thang, xe tải, xe máy chạy ầm ầm. Khi chúng tôi hỏi, con đường này ai làm thì ông đáp gọn: “Tui làm hết 300 triệu đồng đó, ngó rứa chứ kể cả đường chính, đường ranh cản lửa dài đến 15 km lận. Có đường thì xe mới vào chở gỗ khai thác ra được”. Kể từ ngày có đường, người ra, kẻ vào tấp nập, họ vào mua măng, mua mật ong. Người ta gọi đó là “đường ông Lâm” vì đường do ông Lâm làm mà có, và ở trong đó chỉ có mỗi gia đình ông Lâm sinh sống.
Giờ đây rừng của ông xanh bạt ngàn, bao bọc quanh lán trại với diện tích hơn 70 ha, đang ở thời kỳ thu hoạch. 40 ha đầu tiên tuy chưa cho hiệu quả kinh tế cao nhưng bước đầu ông đã thu hoạch gần bảy tỷ đồng. 30 ha rừng còn lại ông trồng keo tai tượng có vẻ khả quan hơn khi thân cây đã to bằng cái ấm và cũng đang trong thời kỳ thu hoạch. Với vẻ điềm đạm, ông bảo: “Năm ni tui tính toán kỹ lưỡng rồi về tận lâm trường đặt gần sáu vạn keo cành để trồng lại, làm cỏ, bón phân đàng hoàng, kiểu chi tui cũng đạt 40 – 50 triệu đồng/ha như người ta cho coi”.
Dựng vợ gả chồng, lo cho con cái có công ăn việc làm ổn định, vợ ông Lâm mới yên tâm lên rừng phụ giúp chồng làm trang trại. Kể từ ngày bà lên Dương Hòa, ông không còn cảnh ăn bờ, ngủ bụi như trước đây nữa. Vợ chồng ông làm hẳn một cái nhà sàn mát mẻ và thoáng đãng có đủ tiện nghi cần thiết để tá túc tuổi già. Hai vợ chồng đào ba hồ cá, nuôi lợn rừng, gà vịt… để ăn quanh năm và đãi khách. Ông tự làm thủy điện nhỏ để phục vụ sinh hoạt hằng ngày cho gia đình mình. Dự định của ông còn nhiều lắm, cậu con trai Võ Quốc Việt, tốt nghiệp Đại học Bách khoa cũng đã 6, 7 năm nay, người sẽ thay ông tiếp quản khu rừng dưới chân núi Hòn Kê. Theo cách nghĩ của những người trẻ tuổi như Việt, sẽ có nhiều điều rất hấp dẫn chưa được khai thác, chẳng hạn ngoài việc trồng rừng, sẽ hình thành một trang trại nuôi heo rừng chẳng hạn, ngay cả chuyện làm du lịch từ những thác nước cũng là ý tưởng thú vị.
Kể về những gì mà mình đã làm, ông Lâm chia sẻ: “Năm nay tui đã 46 tuổi Đảng, suốt cuộc đời theo Đảng, theo Bác, học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những việc rất nhỏ, bình dị nhất, như cần cù trong lao động, chịu khó tìm cách chăn nuôi, trồng rừng hiệu quả, tiết kiệm mọi thứ trong sinh hoạt và luôn giữ vững ý chí của anh “Bộ đội Cụ Hồ”, không nao núng, lùi bước trong bất cứ hoàn cảnh nào”.
Theo Nhandan
Ý kiến ()