Cựu chiến binh năng động làm giàu
– Với ý chí tự lực, tự cường, ông Hồ Văn Học, hội viên cựu chiến binh (CCB) thôn Đồng Hóa Minh Khai, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng đã vươn lên làm giàu bằng việc thu mua nông sản địa phương và sản xuất miến dong, mang lại thu nhập trên 500 triệu đồng/năm.
Ông Hồ Văn Học, sinh năm 1972, quê quán ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tháng 2/1991 khi vừa bước sang tuổi 19, thanh niên Hồ Văn Học xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 2 năm, ông Học hoàn thành nghĩa vụ và trở về quê hương. Cuối năm 1993, ông quyết định đến xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng để định cư và lập gia đình.
Ông Học kiểm tra máy móc
Ở tuổi đôi mươi, với khát vọng làm giàu cháy bỏng, ông Học bắt đầu với công việc thu mua na số lượng ít để chở sang các tỉnh khác bán. Ông Học cho biết: Sống tại vùng đất có đặc sản là quả na, tôi đã quyết định khởi nghiệp bằng cách thu mua và chở na đến các thị trường ngoài tỉnh bán. Để thuận tiện, tôi đã đầu tư mua một chiếc xe máy để giao bán na cho các thương lái ở tỉnh thành Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội…
Đến cuối năm 1999, với số tiền hơn 100 triệu đồng tích góp được, ông Học đã đầu tư mua một chiếc xe ô tô để chuyên chở na. Từ khi có thêm phương tiện, công việc của ông Học càng trở nên thuận tiện hơn, vì vậy ông Học chủ động thu mua và chế biến thêm một số loại nông sản khác của bà con địa phương. Năm 2000, ông Học thu mua sắn lát khô và chế biến thành tinh bột sắn; năm 2004 thu mua vải thiều tươi và thực hiện quy trình sấy thành vải thiều khô. Đồng thời, ông Học đã đầu tư để xây dựng 2 nhà kho rộng 200m2 với gần 100 lò dùng để sấy vải thiều và khu vực để lưu trữ, đóng gói tinh bột sắn.
Là người ham học hỏi nên trong suốt nhiều năm buôn bán nhỏ lẻ, ông Học đã không ngừng học tập, tiếp thu kinh nghiệm kinh doanh từ những thương lái ở tỉnh khác. Ngoài ra, ông Học cũng nghiên cứu thị trường nông sản từ các phương tiện thông tin đại chúng, sách, báo, internet… Ông Học chia sẻ: Để kinh doanh, thu mua nông sản cần dựa vào rất nhiều điều kiện. Ví dụ như địa điểm mở xưởng thu mua nông sản cần chọn nơi dễ tiếp cận với nguồn cung, có nguồn nông sản dồi dào và có điều kiện giao thông thuận lợi cho việc thu mua và vận chuyển; việc xây dựng kho bãi cũng cần được chú trọng vì đó là nơi lưu trữ, chế biến các loại nông sản. Kho trữ hàng cần phải khô, thoáng, xây dựng ở nơi cao ráo… Ngoài ra, đặc tính của hàng nông sản là không thể trữ hàng quá lâu, vì vậy người kinh doanh nông sản không nên “ôm hàng” đợi giá cao mới bán vì như vậy hàng hóa dễ bị hư hỏng.
Với những kinh nghiệm học hỏi và tích lũy được, sau nhiều năm, mô hình thu mua và chế biến nông sản của ông Học kinh doanh ngày càng hiệu quả. Từ năm 2015 đến nay, trung bình mỗi năm, ông Học thu mua và bán được từ 100 đến 150 tấn na; chế biến và bán gần 100 tấn tinh bột sắn; chế biến và bán ra thị trường trên 30 tấn vải thiều khô. Số lượng nông sản được cung cấp đến thị trường các tỉnh, thành phố như: Hải Dương, Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Không dừng lại ở đó, năm 2020, ông Học tiếp tục đầu tư mua máy để chế biến miến dong. Mỗi năm, gia đình ông chế biến, đóng gói và bán được khoảng 6 tấn miến dong với giá bán trung bình 50.000 đồng/kg.
Mô hình thu mua và chế biến nông sản của ông Học mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp cải thiện kinh tế gia đình; đồng thời, tạo việc làm cho 7 – 10 lao động địa phương với thu nhập từ 6 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Từ mô hình kinh tế của gia đình, bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Học thu nhập trên 500 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Lâm, Chủ tịch Hội CCB xã Chi Lăng đánh giá: Ông Hồ Văn Học là hội viên tiêu biểu, đi đầu trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia các hoạt động của hội, của địa phương, là tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo. Mô hình kinh tế của ông Học không chỉ giúp cải thiện kinh tế của bản thân và gia đình mà còn góp phần xây dựng xã Chi Lăng ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Với những đóng góp đó, nhiều năm liền ông Học được các cấp hội khen thưởng, biểu dương. Năm 2021, ông Học được tặng bằng khen của Chủ tịch Hội CCB tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” giai đoạn 2016 – 2021; năm 2022 được Chủ tịch UBND xã tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “CCB gương mẫu”.
Ý kiến ()