Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
– Rời quân ngũ trở về với cuộc sống đời thường, cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Đán, thôn Hồng Phong 1, xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn luôn phát huy phẩm chất người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, ông đã nỗ lực vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
CCB Nguyễn Văn Đán sinh năm 1948 ở huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Năm 1966, ông theo bố mẹ xây dựng kinh tế mới tại xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn. Năm 1968, ông lên đường nhập ngũ, đóng quân ở huyện Lộc Bình, đến năm 1976, được xuất ngũ trở về địa phương.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình trồng cây mai vàng và cây đào của gia đình, ông Đán nhớ lại: “Sau khi xuất ngũ về quê hương, năm 1977 tôi lập gia đình. Khi ấy cuộc sống rất khó khăn, ruộng thiếu nước nên không thể cày cấy được. Thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào mía, thu nhập bấp bênh, nên bữa no, bữa đói. Làm sao để thoát nghèo trên đồng đất quê hương, đó luôn là trăn trở trong tôi”.
CCB Nguyễn Văn Đán (bên phải) chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây đào thất thốn
Sau nhiều năm tìm hiểu, đến năm 2010, ông Đán bắt đầu đưa cây mai vàng vào trồng thử trên đất ruộng của gia đình. Dần dần nhận thấy cây phù hợp với đồng đất nơi đây, khách tìm mua nhiều, giá trị kinh tế lại cao nên ông đã tự tìm hiểu kỹ thuật nhân giống từ rễ cây. Đến nay, ông đã trồng cây mai vàng trên diện tích 1,5 mẫu đất ruộng (tương đương khoảng 5.000 đến 6.000 cây). Ngoài bán cây giống, ông còn tìm hiểu cách chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế cho cây mai. Hằng năm vào dịp tết, khách hàng ở khắp các tỉnh lại tìm đến tận nhà ông để mua với giá cây to từ 500 nghìn đồng đến hơn 3 triệu đồng/cây (tùy kích cỡ và độ tuổi của cây); cây giống từ 200 nghìn đồng trở lên/cây. Nhờ vậy, gia đình ông có thu nhập từ 300 đến 400 triệu đồng/năm.
Không dừng lại ở đó, từ năm 2013, nhận thấy nhu cầu của khách hàng về cây đào cảnh vào dịp tết nhiều nên ông Đán mạnh dạn trồng thử hơn 100 cây đào thất thốn. Với kinh nghiệm trong việc chăm sóc, uốn, tạo thế cây mai, ông tìm hiểu thêm để áp dụng lên cây đào và bước đầu tành công với mô hình, từ đó mở rộng diện tích trồng đào, đến nay, gia đình ông đã có khoảng 3.000 cây đào. Cùng với đó, ông còn tìm hiểu cách ươm đào từ hạt, ghép đào để phục vụ nhu cầu khách hàng. Hằng năm thu nhập từ bán đào cảnh và đào giống của gia đình ông đạt từ 600 đến 700 triệu đồng.
Ông Đán cho biết: Chăm sóc cây mai, cây đào cảnh cũng giống như chăm con mọn, cần sự chu đáo, tỉ mỉ, phải biết cách chăm thì thế cây mới đẹp, hoa nở rộ đúng dịp tết. Trải qua hơn 10 năm làm nghề, tôi rút ra kinh nghiệm riêng cho mình từ quá trình tự trải nghiệm thực tiễn kết hợp với việc học tập qua sách báo, ti vi. Đặc biệt, tôi chia thành các luống và phủ bạt nilon nên tiết kiệm thời gian làm cỏ cho cây; hằng năm, thường xuyên đi học tập cách làm, thế uốn của các vườn đào ở Nhật Tân (Hà Nội) để đáp ứng thị hiếu ngày càng cao của khách hàng.
Sau nhiều năm vất vả, hiện nay, gia đình CCB Nguyễn Văn Đán đã có cuộc sống ổn định và khá giàu. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó, dám nghĩ dám làm, mỗi năm từ mô hình trồng cây mai vàng và cây đào, tổng doanh thu của gia đình ông Đán đạt hơn 1 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình tham gia các phong trào tại địa phương. Ông từng là Trưởng thôn Hồng Phong 1, luôn gương mẫu, đi đầu trong việc tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới; hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi của thôn.
Ông Dương Công Sơn, Chủ tịch Hội CCB xã Chiến Thắng cho biết: Mô hình trồng cây mai vàng và đào cảnh của hội viên Nguyễn Văn Đán là mô hình kinh tế điển hình của hội, đem lại thu nhập cao. Thời gian qua, nhiều hộ hội viên, người dân trên địa bàn xã đã đến tìm hiểu, học tập cách làm của ông và ông đều sẵn sàng chia sẻ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tuyên truyền các hội viên đến tham quan mô hình, học tập ông Đán trong cách nghĩ, cách làm và tinh thần vượt khó vươn lên để phát triển kinh tế gia đình, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho hội viên.
Ý kiến ()