Cựu chiến binh làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp
– Với tinh thần tự lực, tự cường, ông Chu Văn Bé (sinh năm 1964) là cựu chiến binh ở thôn Bản Cưởm, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan đã vươn lên làm giàu bằng mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Nhập ngũ tháng 8/1986 đến tháng 5/1990, ông Bé trở về quê hương, lập gia đình và làm nông nghiệp. Ông Bé cho biết: Ruộng vườn ít, tôi nhận thấy nếu cứ bám trụ mãi với nghề nông thì cuộc sống khó có thể khá lên được. Trong khi đó, gia đình lại có đất rừng nhưng lại chưa tận dụng để trồng các loại cây mang lại kinh tế cao, vì vậy đầu năm 1996, tôi đã quyết định sẽ trồng hồi trên đất rừng của gia đình.
Ông Bé chăm sóc vườn bưởi của gia đình
Sau khi xác định được hướng phát triển kinh tế, ngày ngày ông Bé lên rừng, chọn những khu có tầng đất dày, nhiều chất dinh dưỡng để phát sạch cỏ, đào hố trồng hồi. Sau hơn 1 năm, ông và gia đình đã trồng được gần 10 ha hồi.
Trong thời gian cây hồi sinh trưởng, vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân nên nhiều cây bị chết, ông Bé phải trồng lại khá nhiều. Để có thêm kinh nghiệm chăm sóc cây, năm 2002, ông Bé quyết định xuống học tại Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội). Theo học tại đây 2 năm, ông Bé đã trang bị được cho mình những kiến thức về cách tỉa cành, chăm sóc cây tùy vào mỗi độ tuổi như: ở giai đoạn cây dưới 5 năm tuổi không chịu được ánh sáng trực xạ mạnh, vì vậy, nên giữ lại những cây rừng có sẵn xung quanh để che bóng; khi cây từ 8 năm tuổi, bắt đầu ra hoa, kết quả, lúc này phải tạo điều kiện đê cây nhận ánh sáng mạnh hơn… trong quá trình chăm sóc cây hồi cần chú ý phát thực bì, dây leo và cỏ dại xâm lấn, phòng trừ sâu bệnh hại, bón phân…
Nhờ chăm sóc tốt, từ năm 2005 đến nay, rừng hồi đã cho gia đình ông Bé thu hoạch từ 5 đến 15 tấn hoa tươi mỗi năm. Để bán được giá, sau khi thu hoạch, gia đình ông đem phơi khô rồi mới bán. Mỗi năm, gia đình ông phơi được từ 2 đến 3 tấn hồi khô, với giá bán từ 150.000 đến 200.000 đồng/kg mang lại cho gia đình ông thu nhập bình quân trên 300 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Cùng với trồng hồi, đầu năm 2007, ông Bé tiếp tục đầu tư gần 20 triệu đồng để nuôi gần 250 con gà thịt. Qua nắm bắt nhu cầu thị trường, ông Bé nhận thấy nếu nuôi gà theo hướng công nghiệp thì thời gian cho thịt nhanh nhưng chất lượng thịt lại thấp, thịt mềm và bở, người tiêu dùng không mặn mà. Vì vậy, ông Bé quyết định nuôi gà thả vườn. Ông đầu tư xây 2 chuồng trại nuôi gà và dành ra một khoảng vườn đủ rộng chừng 150 m2 để thả gà. Bằng cách này, gà nhà ông Bé sinh trưởng tốt, chắc thịt. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp gần 300 kg gà thịt cho thị trường với giá 150.000 đồng/kg, thu về gần 40 triệu đồng.
Ngoài trồng hồi, chăn nuôi gà thả vườn, năm 2018, ông Bé tiếp tục cải tạo thêm 1,7 ha đất vườn để trồng trên 500 gốc bưởi da xanh. Đầu năm 2021, vườn bưởi bắt đầu cho thu hoạch đến nay đã cho thu gần 2 tấn quả, thu nhập khoảng 40 triệu đồng.
Nhận xét về ông Bé, ông Vi Xuân Toàn, Phó Chủ tịch Hội CCB xã Bình Phúc cho biết: Ông Chu Văn Bé là hội viên năng nổ, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại thôn, xã. Đặc biệt với tinh thần cần cù, dù đã khá thành công với mô hình kinh tế của mình nhưng ông Bé vẫn không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn do xã, huyện, tỉnh tổ chức để nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học – kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuổi. Ông Bé là tấm gương sáng để các hội viên CCB và người dân noi theo.
Thành công từ mô hình kinh tế trồng hồi, cây ăn quả và chăn nuôi gà thả vườn, cùng sự tích cực tham gia hoạt động của hội, ông Bé được các cấp hội và chính quyền địa phương biểu dương, khen thưởng. Từ năm 2015 đến nay, ông Bé nhận được 7 giấy khen, 1 bằng khen của các cấp hội, năm 2021, ông được nhận giấy khen của Chủ tịch Hội CCB huyện vì có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào “CCB gương mẫu”, “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”.
Ý kiến ()