Cựu chiến binh huyện Lộc Bình: Đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế
– Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Lộc Bình hiện có gần 2.800 hội viên, sinh hoạt trong 23 cơ sở hội. Những năm qua, Hội CCB huyện đã chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng. Nhờ đó, nhiều gia đình CCB đã thoát nghèo, nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế của địa phương.
Năm 2016, sau khi thôi công tác tại UBND xã Minh Hiệp, ông Lâm Văn Tưởng, hội viên CCB thôn Khuân Săm, xã Minh Hiệp được Hội CCB xã động viên, định hướng phát triển kinh tế. Thông qua Hội CCB, gia đình ông Tưởng đã vay Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 50 triệu đồng để đầu tư mua trâu, dê và trồng rừng. Từ năm 2018 đến nay, mô hình chăn nuôi của ông Tưởng duy trì 40 con dê, 12 con trâu, 4 con bò. Trung bình mỗi năm, gia đình ông xuất bán khoảng 6 con dê, 2 con trâu. Cùng với thu nhập từ khai thác nhựa thông và gỗ, bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của ông Tưởng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Dụng, hội viên Hội CCB xã Minh Hiệp, huyện Lộc Bình chăm sóc ngựa bạch
Ông Tưởng chia sẻ: Gia đình tôi có 4 nhân khẩu, trước đây, điều kiện kinh tế rất khó khăn, các con còn nhỏ, đang trong độ tuổi đi học. Được sự động viên, giúp đỡ, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, ngày công của hội viên Hội CCB xã, gia đình tôi đã phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng, đến nay đã có được nguồn thu nhập ổn định.
Cũng như ông Tưởng, nhiều hội viên CCB khác trên địa bàn xã Minh Hiệp nói riêng và huyện Lộc Bình nói chung đã được hội CCB các cấp tạo điều kiện vay vốn phát triển kinh tế. Ông Lương Đức Tình, Chủ tịch Hội CCB huyện Lộc Bình cho biết: Hiện nay, hội có 86 mô hình kinh tế của hội viên CCB phát huy hiệu quả. Các mô hình như: chăn nuôi (trâu, bò, dê, ngựa…); mô hình trồng trọt (cây thông, bạch đàn)… hằng năm đem lại thu nhập bình quân từ 70 đến trên 100 triệu đồng/mô hình, điển hình như ông Ma Văn Thó, xã Hữu Lân với mô hình chăn nuôi ngựa bạch, bò, vịt bơ (giống vịt siêu thịt) kết hợp trồng, khai thác nhựa thông, gỗ bạch đàn thu về hơn 300 triệu đồng/năm; ông Hà Văn Thu, xã Sàn Viên với mô hình nuôi cá mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng/năm.
Những năm qua, hội CCB các cấp trên địa bàn huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ và vận động hội viên tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Theo đó, giai đoạn 2016 – 2021, hội đã nhận uỷ thác với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho hơn 3.000 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ tính đến tháng 4/2021 trên 46 tỷ đồng. Điển hình như hội viên Ngô Văn Ngoan vay 50 triệu đồng để trồng rừng; hội viên Mông Văn Sinh vay 70 triệu đồng trồng thông, mua dụng cụ sản xuất… Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho hội viên vay vốn với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, các cơ sở hội CCB đã đẩy mạnh xây dựng quỹ hội. Tính đến nay, 100% số chi hội có quỹ, tổng quỹ hội khoảng 1,2 tỷ đồng, từ năm 2016 đến nay, hội đã tạo điều kiện cho gần 400 hội viên vay quỹ hội với lãi suất thấp với số tiền trên 990 triệu đồng… Số tiền vay vốn đều được hội viên sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Ngoài ra, các hội viên CCB cũng chủ động giúp đỡ hội viên khác bằng cách cho vay tiền hoặc hiện vật không lấy lãi. Từ năm 2016 đến nay, hằng năm, hội CCB huyện đều phối hợp với Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các cơ quan chức năng chuyên môn tổ chức từ 2 đến 4 lớp học nghề kỹ thuật xây dựng chuồng trại; phòng, trị một số bệnh giao mùa trên gia súc, gia cầm; lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi cho hội viên CCB…
Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Chủ tịch hội CCB xã Hữu Lân cho biết: Hội CCB xã Hữu Lân hiện có 89 hội viên, trong đó có trên 30 hộ hội viên có mô hình kinh tế như: chăn nuôi ngựa, trồng rừng… Các mô hình đã giúp giải quyết việc làm và đem lại thu nhập bình quân 3 triệu đồng/tháng cho nhiều hội viên. Được sự động viên của hội CCB huyện, hội viên hội CCB xã Hữu Lân đã tích cực đẩy mạnh sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế. Hằng năm, hội phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi cho hội viên. Nhờ đó, phong trào phát triển kinh tế trong các chi hội đã được triển khai hiệu quả. Giai đoạn 2016 – 2021, hội đã xoá được 20 hộ CCB nghèo, cận nghèo, số hộ hội viên có thu nhập qua lao động chiếm 73% tổng số hộ hội viên.
Nhờ hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế, tỉ lệ hộ CCB nghèo trên địa bàn huyện đã giảm từ 9,67% (năm 2018) xuống 6,44% (năm 2020), số hộ giàu, hộ trung bình khá tăng từ 81% (năm 2018) lên 84% (năm 2020). Các mô hình kinh tế của hội viên đã góp phần tạo việc làm cho khoảng 250 lao động địa phương với thu nhập từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Một số hội viên CCB điển hình như: ông Ma Văn Thó, Hà Văn Thu, Lâm Văn Tưởng… được Hội CCB huyện đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, Hội CCB tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong thực hiện phong trào 5 năm CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi giai đoạn 2016 – 2021.
Ý kiến ()