Cựu chiến binh huyện Chi Lăng gương mẫu phát triển kinh tế
(LSO) – Những năm qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Chi Lăng luôn tích cực tuyên truyền, vận động hội viên phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong mọi lĩnh vực, nhất là phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống.
Trở về từ quân ngũ năm 1978, ông Vi Văn Lưu (xã Chi Lăng) đã bắt tay vào trồng na – loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này. Vừa trồng, ông vừa tham gia làm nhóm trưởng nhóm sản xuất na theo tiêu chuẩn Global GAP, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc na. Năm 2012, ông được Hội CCB xã tuyên truyền, vận động và hướng dẫn làm thủ tục vay vốn ưu đãi, ông đã vay 30 triệu đồng mở rộng diện tích trồng na. Đến nay, tuy đã gần 70 tuổi nhưng ông Lưu vẫn đi đầu trong phát triển kinh tế với gần 1.000 gốc na, 300 gốc bưởi và nhiều loại cây ăn quả khác cho thu nhập bình quân trên 100 triệu đồng/năm.
Cán bộ Hội CCB huyện Chi Lăng thăm mô hình kinh tế của hội viên Lê Mạnh Hồng, thị trấn Đồng Mỏ (người đứng giữa)
Ông Lưu chia sẻ: Phát huy truyền thống của người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, trở về địa phương, trải qua nhiều khó khăn, tôi và các hội viên CCB trong xã đã duy trì, phát triển tốt mô hình trồng na. Khi kinh tế khá giả, chúng tôi tiếp tục tham gia hướng dẫn, hỗ trợ các hội viên khó khăn phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và gia đình hội viên CCB.
Cũng trở về từ quân ngũ, được sự động viên, ủng hộ của cán bộ Hội CCB thị trấn Đồng Mỏ, năm 2000, ông Lê Mạnh Hồng đã mạnh dạn mở cửa hàng nội thất đầu tiên ở thị trấn. Dám nghĩ, dám làm và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, từ đó đến nay, cửa hàng nội thất của ông Hồng luôn thu hút được số lượng lớn khách hàng với doanh thu hằng năm trên 200 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Đức, Chủ tịch Hội CCB thị trấn Đồng Mỏ cho biết: Ông Hồng là 1 trong 17 hội viên CCB có mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu trên địa bàn. Để có được kết quả đó, thời gian qua, chúng tôi luôn tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời sử dụng quỹ hội cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không tính lãi.
Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ vay vốn ưu đãi là biện pháp không chỉ riêng Hội CCB thị trấn Đồng Mỏ áp dụng mà cả 21 xã, thị trấn trên đị bàn huyện đều triển khai. Tính riêng từ đầu năm 2019 đến nay, thông qua 38 tổ tiết kiệm và vay vốn, hội CCB các xã, thị trấn đã tín chấp cho 11 hội viên vay vốn ưu đãi được 325 triệu đồng, nâng tổng dư nợ lên hơn 39 tỷ đồng với 1.370 hộ vay. Ngoài ra, các chi hội còn trích quỹ cho 276 hội viên vay không tính lãi hoặc lãi suất thấp với số tiền hơn 550 triệu đồng.
Cùng với hỗ trợ vốn, Hội CCB huyện đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên đưa giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao vào sản xuất, chăn nuôi. Từ đầu năm 2019 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức 7 lớp tập huấn.
Ông Vi Văn Hiền, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Bằng những biện pháp thiết thực, đến nay, Hội CCB huyện Chi Lăng đã duy trì, phát triển được hơn 100 mô hình kinh tế hộ gia đình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 36 lao động địa phương với thu nhập bình quân trên 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tiêu biểu như: mô hình trồng rừng, nuôi ong của ông Lăng Hải Kỳ, hội viên CCB xã Lâm Sơn cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm; mô hình nuôi ong, trồng rừng, trồng cây ăn quả của ông Vi Văn Giao, hội viên xã Quan Sơn cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm… Nhờ đó, đời sống gia đình CCB ngày càng được cải thiện. Trong năm 2018, các cấp hội đã xóa được 47 hộ nghèo và giảm 20 hộ cận nghèo, xóa 2 nhà dột nát cho hội viên.
Với những kết quả đó, năm 2018, Hội CCB huyện Chi Lăng có 3.036 hội viên gương mẫu (đạt tỷ lệ 93%) và vinh dự được nhận bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB gương mẫu” năm 2018.
Ý kiến ()