Cựu chiến binh Đình Lập: Bám rừng thoát nghèo
– Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Đình Lập hiện có 13 hội cơ sở với 1.549 hội viên, sinh hoạt tại 98 chi hội. Những năm qua, hội viên CCB đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động “bám rừng”, thoát nghèo. Hiện, toàn huyện có trên 1.200 hội viên (chiếm trên 77% tổng số hội viên) trồng và khai thác trên 4.400 ha rừng, thu nhập từ đồi rừng đạt bình quân gần 63 triệu đồng/hội viên/năm.
Ông Hà Văn Chiều, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Địa bàn huyện có thế mạnh về đồi rừng, tận dụng lợi thế này, những năm qua, hội viên Hội CCB toàn huyện đã tích cực, chủ động bám rừng để cải thiện kinh tế gia đình. Từ năm 2005, nhiều hội viên CCB đã chủ động đầu tư vốn để mua giống cây thông, keo, sa nhân… về trồng, hộ trồng ít khoảng 2 ha, một số hộ trồng quy mô lớn lên đến trên 30 ha. Các loại cây lâm nghiệp có thời gian sinh trưởng kéo dài đến 10 năm (đối với sa nhân, hồi…) và 13 đến 15 năm (đối với thông) mới được thu hoạch, vì vậy, từ đầu năm 2016 đến nay, nhiều mô hình trồng rừng của CCB bắt đầu cho thu hoạch, đem lại nguồn thu nhập cho hội viên, giúp giảm số hộ hội viên nghèo trong toàn hội. Năm 2015, tỷ lệ hộ hội viên nghèo trong toàn hội là 21,4%; hộ khá, giàu chỉ có hơn 200 hộ; đến hết năm 2021, số hộ khá, giàu tăng lên 1.172 hộ; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,09%. Đây là những con số minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo của CCB huyện Đình Lập.
CCB Chi hội thôn Bình Chương 2, xã Đình Lập cạo nhựa thông
Được biết, hiện toàn hội có 114 mô hình kinh tế có hiệu quả, trong đó, có đến 90% là các mô hình trồng, khai thác các loại cây như: thông, keo, chè, sa nhân, hồi… Các mô hình mang lại thu nhập cho hội viên, bình quân từ 100 đến 150 triệu đồng/năm/mô hình, điển hình như: mô hình sản xuất và chế biến chè của hội viên Đỗ Văn Đồng (CCB thị trấn Nông trường Thái Bình) với thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm; mô hình trồng, khai thác trên 30 ha thông của hội viên Hoàng Văn Sáu (CCB xã Bắc Xa) với thu nhập gần 400 triệu đồng/năm…
Ông Nông Văn Sái, Chủ tịch Hội CCB xã Đình Lập cho biết: Hội CCB xã Đình Lập hiện có 15 chi hội với 210 hội viên. Các hội viên chủ yếu trồng rừng để phát triển kinh tế, trong đó, thông là cây trồng mũi nhọn. Từ năm 2017, sau nhiều năm chăm sóc, rừng thông đã được khai thác, tổng thu nhập từ khai thác nhựa thông (từ năm 2017 đến hết 2021) của hội viên các chi hội đạt khoảng 400 tấn, giá trị trên 8,5 tỷ đồng.
Để hỗ trợ và tạo động lực cho hội viên vươn lên thoát nghèo từ rừng, Ban Chấp hành Hội CCB huyện đã và đang chỉ đạo các cấp hội triển khai, vận dụng các hình thức giúp hội viên phát triển các mô hình kinh tế từ rừng như: hỗ trợ hội viên vay vốn, mở các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp… Cụ thể, các cấp hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện nhận ủy thác cho trên 1.100 lượt hội viên vay vốn để trang bị máy cạo nhựa thông, phân bón cho cây trồng… với tổng dư nợ hiện nay trên 20 tỷ đồng, mỗi hội viên vay từ 50 đến 100 triệu đồng. Nguồn vốn vay đều được hội viên sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.
Cùng với hỗ trợ vay vốn, hằng năm, hội đều phối hợp với Hội Nông dân huyện, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và các cơ quan chuyên môn tổ chức tổ chức 3 đến 5 lớp tập huấn cho trên 200 lượt hội viên về chuyển giao khoa học, kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây lâm nghiệp; cách thức sử dụng phân bón, thuốc diệt cỏ an toàn gắn với bảo vệ môi trường…
Nhờ được tạo điều kiện vay vốn, tập huấn, nhiều hội viên đã mạnh dạn tăng diện tích rừng trồng, nhờ rừng để cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo. Ông Vi Tiến Trường, hội viên Chi hội thôn Quang Hòa, xã Cường Lợi cho biết: Năm 2006, gia đình tôi trồng hơn 3 ha với hơn 2.000 cây thông, đến năm 2018, gia đình tôi bắt đầu được khai thác, mỗi năm được gần 3 tấn nhựa, mang lại thu nhập trên 90 triệu đồng. Được tham gia các lớp tập huấn về cách phòng bệnh, trừ sâu róm thông cũng như cách chăm sóc cây lâm nghiệp…, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm chăm sóc rừng thông. Năm 2020, gia đình tôi lại tiếp tục trồng thêm 3 ha cây thông nữa.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, các cấp hội tiếp tục đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, phát huy hiệu quả thế mạnh đồi rừng, phấn đấu mỗi năm giảm từ 1% tỷ lệ hộ hội viên nghèo trở lên, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Ý kiến ()